Chiều 29/5, ông Nguyễn Đức Kiên trình bày phần tự bào chữa trong gần hai giờ về 4 tội danh Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai ngày trước, Bầu Kiên đã được 4 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích tại toà.
Cầm tập tài liệu, dáng mệt mỏi, ông Kiên trình bày, khi nhận lệnh bắt, khởi tố về tội Kinh doanh trái phép, cảm thấy “trời đất như sụp đổ”. Ông không đồng tình việc quy kết là chủ sở hữu Công ty tập đoàn tài chính Á châu và công ty B&B. Thực tế, bị cáo chỉ là một trong ba người góp cổ phần vào hai công ty này.
Mặt khác, Bầu Kiên cũng không đồng tình quy kết, các công ty trên không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng đã tiến hành mua cổ phần của các ngân hàng khác. Theo bị cáo, việc mua cổ phần của công ty khác là hoạt động đầu tư không phải kinh doanh. Bị cáo cũng không thừa nhận việc cơ quan công tố cho rằng, các công ty này phát hành trái phiếu, thế chấp cổ phần của các công ty khác, bán cho ngân hàng ACB để lấy tiền ảo làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước. “Việc này tạo ra đồng tiền thật, việc góp vốn này thực hiện đúng chủ trương chính sách của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ ngân hàng”, bị cáo nói.
Nghỉ vài giây để uống nước, Bầu Kiên trình bày, các quy định của pháp luật về việc Công ty Thiên Nam đầu tư tài chính thông qua việc đầu tư giá vàng như thế nào, hợp đồng công ty này ký với Vietbank có xác nhận của ACB, sau đó ký với ACB có đúng pháp luật không, không thuộc thẩm quyền của bị cáo mà là của Tổng giám đốc Lê Quang Trung.
Tại hợp đồng ký kết giữa ông Trung và ACB đã quy định: giao dịch trạng thái vàng là việc bên A mua hay bán một trạng thái vàng từ bên B không có bất kỳ quy định nào cho phép Công ty Thiên Nam được tác động hoặc chịu ảnh hưởng từ việc bên B là ACB ký hoặc ra lệnh với các tổ chức bên ngoài. Việc đặt lệnh qua điện thoại, theo bị cáo là giúp ông Trung thông báo lệnh đến ngân hàng ACB.
Về hành vi trốn thuế, Bầu Kiên cho rằng, thuế thu nhập được xác định từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 hằng năm. Tổng thu nhập tính thuế phát sinh từ tất cả các nghĩa vụ kinh doanh của Công ty B&B trừ đi khoản phát sinh thu nhập mà không phải nộp thuế nhân với thuế xuất. Dù tính thế nào thì công ty cũng bị lỗ không cần phải mời giám định tham gia. Ông đề nghị cơ quan tính thuế giám định lại toàn bộ hoạt động công ty để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. “Nếu như HĐXX đưa ra một nội dung nào chỉ ra tôi sai thì sẽ chấp nhận tội ngay không cần bất kỳ một tranh luận nào hết”, Kiên nói.
VKS cho rằng hợp đồng ủy thác giữa em gái ông Kiên và công ty B&B là trá hình, không biết căn cứ vào các yếu tố nào. Bầu Kiên cho rằng đây là hợp đồng ký kết giữa 2 bên, là hợp đồng dân sự. Hợp đồng này được ký phần thua thiệt nếu có là em gái bị cáo, cá nhân ông phải chịu trách nhiệm. “Em tôi và tôi không ngu mà bỏ tiền cho cái hợp đồng “trá hình”, Kiên nói.
Sau ít phút giải lao, Bầu Kiên trình bày, việc quy kết chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Tập đoàn Hoà Phát khiến bị cáo buồn nhất. Bầu Kiên khẳng định, việc chuyển nhượng cổ phiếu là nghĩa cử giúp bạn bè, không có một mục đích nào khác và dẫn chứng việc ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát tại toà cũng thừa nhận: chính xác, không sai, không thiếu một chữ nào.
“Thoả thuận của tôi với anh Long là thoả thuận giữa hai chủ tịch tập đoàn, có đủ năng lực, hành vi”, Bầu Kiên nói. Việc ký các biên bản, nghị quyết HĐQT theo VKS là “khống”, bị cáo khẳng định cuộc họp thật, có chữ ký thật 100%. Chữ ký nháy của bị cáo trong trang cuối hợp đồng chuyển nhượng là đúng.
Đứng trình bày, Bầu Kiên cho rằng, không muốn đẩy các cán bộ, bạn bè ở tập đoàn Hoà Phát vào vòng lao lý. Nếu như bị cáo không kiên nhẫn chịu đựng, có sơ suất từ một lời nói nhỏ rất có thể khiến “bạn” bị khởi tố bắt giam.
Bầu Kiên không đồng tình với quy kết của VKS về việc xác định bị cáo là người quyết định chính tại Công ty ACBI. Việc ông Trần Ngọc Thanh ký và bị cáo ký nháy là hoạt động thường xuyên tại công ty ACBI. Thời gian Công ty thép Hoà Phát chuyển tiền bị cáo đang ở nước ngoài. “Tôi có một thói quen là không trả lời điện thoại khi đang đi cùng gia đình”, Kiên trình bày.
Trước Bầu Kiên, cựu tổng giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải cũng được tự bào chữa và đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo vì “một người không biết gì chả lẽ thành kẻ tham gia các quyết định của HĐQT”. Bị cáo cho rằng, lời khai có những điều nhớ, hoặc không, song sẵn sàng chịu trách nhiệm, chứ không phải “loanh quanh” như VKS cáo buộc.
Ngày mai toà tiếp tục phần tranh luận và đối đáp của VKS.
Việt Dũng