Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên chiều 23/5, đại diện của cả hai ngân hàng Á Châu (ACB) và Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm với số tiền gửi 718 tỷ đồng mà ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tại Vietinbank chi nhánh TP HCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Đại diện ACB phủ nhận việc Huyền Như đã khai cố tình chiếm đoạt của ACB do ngân hàng này sơ hở không theo dõi tài khoản tiền gửi này. Phía ACB cho rằng do Vietinbank đã không kiểm soát nhân viên mới dẫn đến việc để Huyền Như làm chữ ký giả rút tiền, cho vay. "Nguyên nhân trực tiếp chưa được làm rõ là hành vi giả chữ ký của Huyền Như", đại diện ACB nêu quan điểm.
Khi ACB một lần nữa yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền 718 tỷ đồng thì đại diện Vietinbank khẳng định trước tòa không có trách nhiệm bồi thường do người chiếm đoạt là Huyền Như chứ không phải ngân hàng này. "Không có chuyện Huyền Như mượn danh nghĩa Vietinbank để chiếm đoạt tiền. Mỗi cá nhân đều có quyền huy động. 32 hợp đồng có dấu của chi nhánh TP HCM nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, không phát sinh hiệu lực. Do ACB buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến tình trạng để Huyền Như lợi dụng các kẽ hở chiếm đoạt", đại diện Vietinbank nói.
Mặc dù không được hỏi nhưng bị cáo Nguyễn Đức Kiên, cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB, vẫn đề nghị xin có ý kiến. Bầu Kiên khẳng định đại diện Vietinbank và Huyền Như nói sai bản chất sự việc. Theo ông, nhân viên ACB (với tư cách thể nhân) không giao dịch với cá nhân Huyền Như mà với quyền trưởng phòng chi nhánh Vietinbank TP HCM trực thuộc Vietinbank (tổ chức có tư cách pháp nhân).
"Vietinbank là ngân hàng lớn, được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông tin, mọi giao dịch đều được thể hiện trên sổ cái. Nếu Vietinbank nói không biết thì đề nghị cơ quan điều tra lấy lại bộ mật mã của họ tại thời điểm mở tài khoản giao dịch. Các giao dịch được chuyển đổi thế nào, lệnh ra sao… đều được thể hiện ở bộ phần mềm mà tôi tin rằng không ai ở Vietinbank có thể xóa được", Bầu Kiên quả quyết.
Trước phiên tòa này, lãnh đạo Vietinbank cũng nhiều lần khẳng định không bồi thường vì các giao dịch này thực hiện với riêng Huyền Như, chưa vào hệ thống của ngân hàng.
Tiếp tục dẫn luật và các quy định về hạch toán với hoạt động gửi tiền của ngân hàng thương mại, cựu Phó chủ tịch ACB nói Vietinbank đang "đánh lận" sự việc. "Nhân viên ACB được ủy thác đi gửi tiền không phải theo điều 106 Luật Tổ chức tín dụng, lúc đó luật này chưa có hiệu lực. Việc ủy thác được thực hiện theo Quyết định 742. Ngoài ra, chủ tài khoản đều không thực thi một giao dịch nào mà các giao dịch gian lận đều do nhân viên của Vietinbank gây ra. Theo quy định, nhân viên mình gây ra, tổ chức phải chịu trách nhiệm", ông Kiên nói.
Những sai phạm trong việc lãnh đạo ACB gián tiếp chỉ đạo công ty chứng khoán trực thuộc đi đầu tư cổ phiếu của chính mình cũng được tòa thẩm vấn trong phiên chiều 23/5. HĐXX cho biết, hầu hết các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT, ủy quyền cho Bầu Kiên (lúc này là Chủ tịch hội đồng đầu tư của ACB) đứng ra đầu tư vào các cổ phiếu. Tuy nhiên, nguyên tổng giám đốc Lý Xuân Hải và Bầu Kiên lại một mực nói cuộc họp không nhắc tới việc đầu tư cụ thể vào cổ phiếu ACB. "Trong cuộc họp chính thức không nêu tí nào về việc mua cổ phiếu ACB. Chỉ có trong lúc nghỉ ngơi, khi uống trà, một số cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu ACB mới nói việc này", ông Hải cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng giám đốc Chứng khoán ACB (ACBS) khai toàn bộ sự việc do ông Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo. Trên thực tế, ACBS là công ty con 100% vốn của Ngân hàng ACB nên không được trực tiếp đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng mẹ. Vì vậy, Bầu Kiên chỉ đạo thông qua Công ty Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) mua. "Anh Kiên nói đây là mệnh lệnh và phải làm", ông Chung khai. Về phần mình, Bầu Kiên gần như bác toàn bộ những lời khai này và cho rằng, mọi chỉ đạo với ông Chung, nếu có phải thực hiện bằng văn bản.
Trước đó, trong phiên xử buổi sáng, Huyền Như đã lần đầu tiên trần tình việc chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Theo cựu trưởng phòng giao dịch Vietinbank này, khoảng giữa 2011, chị Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ ACB) có liên hệ đề nghị gửi tiền với lãi suất thoả thuận, nếu Vietinbank đáp ứng được sẽ gửi. Ngọc đưa ra mức lãi suất theo hợp đồng là 14%, phần ngoài hợp đồng chênh lệch từ 3 đến 5,5 % (bao gồm phí nộp trực tiếp do từng cá nhân gửi, phần còn lại nộp theo yêu cầu chị Ngọc). Lúc đó, Vietinbank không có chủ trương vượt trần lãi suất nên Huyền Như không báo cáo lãnh đạo việc chi trả vượt 14% mà chỉ nói có nguồn gửi và bảo có hoa hồng thêm. “Tôi đã thỏa thuận với chị Ngọc và trả hoa hồng từ tiền riêng”, Huyền Như trình bày.
Theo giải trình của Huyền Như, khi mở tài khoản, khách hàng phải đến trực tiếp làm thủ tục nhưng 17 nhân viên ACB đã không làm những việc này mà chỉ thông báo chứng minh nhân dân để Huyền Như bổ sung hoàn tất thủ tục. "Đây là một sơ hở để tôi trích chuyển tiền đi", Huyền Như khai.
Huyền Như cho biết, thời điểm đó kinh doanh bất động sản, chứng khoản thua lỗ vài trăm tỷ đồng. Những sơ hở của nhóm nhân viên ACB đã tạo điều kiện để cô ta chiếm đoạt trót lọt số tiền lớn. “Có thể tiền không phải của họ, chỉ làm cho đủ các thủ tục nên không quan tâm. Chính vì vậy, tất cả các giao dịch không cần trực tiếp với ngân hàng mà với cá nhân tôi”, Huyền Như trình bày.
Trong số tiền 718 tỷ đồng, ngoài hơn 600 tỷ theo cách mà Huyền Như đã trình bày, số tiền còn lại chị ta dùng thủ đoạn thay bộ hồ sơ mở tài khoản bằng một bộ hồ sơ khác tự làm, tự ký và dùng chữ ký của mình để chuyển tiền đi. Để lấy được các bộ hồ sơ của khách hàng, Huyền Như nói dối với lãnh đạo Vietinbank rằng khách hàng “chê lãi suất thấp không muốn gửi”. Huyền Như sau đó giữ lại các hồ sơ này và làm giả chúng để chuyển tiền.
Với hành vi này, trong một vụ án khác, Huyền Như đã bị kết án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việt Dũng - Thanh Lan