Kết luận mới nhất của các chuyên gia phân tích đường bay MH370 của Inmarsat cho thấy vị trí cuối cùng của chiếc phi cơ là khu vực hẻo lánh ở phía tây thành phố Perth của Australia. Chiếc máy bay có thể đã hết nhiên liệu khi đang bay trên vùng biển phía nam Ấn Độ Dương.
Theo các chuyên gia của Inmarsat, những tín hiệu ping được truyền đi tự động một giờ một lần từ chiếc máy bay, sau khi những phần còn lại của hệ thống liên lạc ngưng hoạt động. Điều này cho thấy rằng sau khi biến mất khỏi đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, MH370 đã tiếp tục bay trong vài giờ nữa.
Trong hoạt động xác định hướng đi của chiếc máy bay mất tích, các chuyên gia của Chi nhánh Điều tra tai nạn Hàng không nước Anh và Inmarsat đã kiểm tra các tín hiệu ping yếu ớt được ghi nhận hàng giờ từ MH370 bằng cách ứng dụng hiệu ứng Doppler.
Doppler là một hiệu ứng vật lý mô tả sự thay đổi tần số của bước sóng có liên quan đến chuyển động tương đối của người hay vật quan sát, mà trong trường hợp này là vệ tinh. Hiệu ứng Doppler có thể giải thích tại sao âm thanh còi báo động của một chiếc xe cảnh sát lại thay đổi khi nó tiến lại gần và sau đó đi vượt qua người quan sát.
Các tín hiệu ping được gửi đi từ trạm quan sát trên mặt đất đến một vệ tinh, sau đó lên máy bay. Chiếc máy bay sau đó sẽ tự động gửi một tín hiệu ping đến vệ tinh và truyền xuống trạm quan sát trên mặt đất. Tuy nhiên, tín hiệu gửi về không có dữ liệu về GPS cũng như thông tin về thời gian và khoảng cách.
Do đó, các chuyên gia vệ tinh của Anh tính toán thời gian để những tín hiệu ping này được gửi trở về. Dựa trên nghiên cứu hiệu ứng Doppler, họ xác định chiếc phi cơ có thể đi theo hành lang bay phía bắc, đi qua khu vực Trung Á hoặc một đường bay hướng xuống phía nam, qua Ấn Độ Dương.
"Chúng tôi không biết liệu chiếc máy bay có duy trì ở tốc độ không đổi hay không, cũng như các mục tiêu của nó có thay đổi sau đó hay không", Chris McLaughlin, chuyên gia của Inmarsat, cho hay. Vì vậy, "chúng tôi áp dụng thông tin về tốc độ bay ở chế độ lái tự động và những nghiên cứu khác về nhiên liệu và phạm vi của máy bay để xác định các tín hiệu ping mà chúng tôi có được".
Sau khi so sánh thông số dữ liệu từ các máy bay khác của Malaysia Airlines và các đường bay tương tự, nhóm chuyên gia nhận thấy rằng máy bay chỉ có thể đi về phía hành lang bay phía nam và cuối cùng hết nhiên liệu khi bay qua Ấn Độ Dương.
Trước khi được công bố chính thức hôm qua, các phát hiện này đã được một công ty vệ tinh khác kiểm tra để đánh giá tính chính xác.
Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, dựa trên các kết quả phân tích của Inmarsat, có thể đưa ra kết luận rằng chiếc máy bay Boeing 777 rơi ở phía nam Ấn Độ Dương và không ai sống sót.
Trong quá trình tìm kiếm, các chuyên gia chỉ nhận được các tín hiệu ping yếu ớt từ một vệ tinh qua mỗi giờ. Sự ít ỏi về dữ liệu đồng nghĩa với việc các kỹ thuật phổ biến như phép đạc tam giác sử dụng một số lượng lớn vệ tinh hay Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS, có thể không ứng dụng được trong hoạt động xác định đường bay của phi cơ mất tích.
Chiếc phi cơ Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) chở theo 239 người, mất tích từ hôm 8/3 khi đang trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trước đó, nhiều giả thiết xung quanh sự mất tích bí ấn của chuyến bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines đã được đưa ra, từ bị khủng bố, không tặc tấn công, phi công tự sát và thậm chí là va chạm với thiên thạch hoặc sao băng.
Vụ việc xảy ra với MH370 có thể trở thành bài học thúc đẩy các hoạt động kiểm tra theo dõi trong quy định hàng không, đặc biệt là những quy định liên quan đến thiết bị liên lạc và khả năng tắt hệ thống transponder của một phi cơ.
Hệ thống ứng dụng hiệu ứng Doppler của Inmarsat đã được sử dụng trong nhiều máy bay ở bắc Đại Tây dương, tuy nhiên nó vẫn chưa được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Thùy Linh (theo Reuters)