Theo IB Times, các nhà nghiên cứu của Đại học Yale tại Mỹ phát hiện hơn 150 mảnh hóa thạch trong lớp đá phiến sét Winneshiek ở bang Iowa, Mỹ. Với độ dày 27 m, lớp đá phiến sét Winneshiek hình thành sau khi một thiên thạch lao xuống Trái Đất. Phần lớp lớp đá này chìm dưới sông Iowa.
Kết quả phân tích các hóa thạch cho thấy loài bọ cạp biển từng tồn tại trên địa cầu từ khoảng 460 triệu năm trước. Đây là hóa thạch bọ cạp biển cổ xưa nhất từng được tìm thấy. Nhóm nghiên cứu gọi chúng là Pentecopterus decorahensis, theo tên của tàu chiến Penteconter lừng danh thời Hy Lạp cổ đại.
"Loài bọ cạp mới rất kỳ lạ. Hình dạng chân chèo (mà chúng dùng để bơi) rất độc đáo và hình dạng đầu cũng vậy. Chúng cũng rất lớn – với chiều dài hơn 1,5 m," James Lamsdell, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Đối với Lamsdell, cách thiên nhiên bảo quản xác của những con bọ cạp biển cũng rất thú vị. Chúng chịu lực ép của đá, song các chuyên gia vẫn có thể bóc tách hóa thạch để nghiên cứu dưới kính hiển vi. Họ có thể thấy từng chi tiết – như các dạng lông trên chân hóa thạch.
"Đôi khi tôi cảm thấy dường như chúng tôi đang nghiên cứu da của động vật hiện đại. Đây là cơ hội tuyệt vời cho mọi nhà cổ sinh vật," ông bình luận.
Bằng cách phân tích một số hóa thạch nguyên vẹn, các nhà khoa học nhận thấy rất có thể những chân sau cùng của bọ cạp biển – bao gồm chân chèo – đảm nhiệm chức năng bơi và đào. Ngoài ra, cũng rất có thể những sợi lông siêu mịn bao phủ cơ thể bọ cạp biển, giúp chúng cảm nhận môi trường xung quanh.
Hai cặp chân đầu tiên cong về phía trước. Hình dạng đó cho thấy, rất có thể bọ cạp biển dùng 4 chân trước để bắt mồi.
Việt Phong