Cứ mỗi lần nhắc đến Luật về Hội, tôi lại nhớ bà Thảo. Nhiều người Sài Gòn hẳn đã gặp bà, dù không biết tên. Có dạo, cứ mỗi tối, bà lại dẫn một lũ trẻ ra đường đi bộ Nguyễn Huệ để hát rong. Người phụ nữ khắc khổ, tóc đã bạc, bắt nhịp cho dàn đồng ca “hát” theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa cũ. Nhóm hát ấy là của những người câm điếc.
Người câm cũng biết hát. Bà Thảo đứng trước, như một nhạc trưởng, nghe lời ca phát ra từ chiếc loa, rồi dùng tay “hát” lại bằng ngôn ngữ ký hiệu. Lũ trẻ hòa nhịp “hát” theo, cũng bằng tay. Khung cảnh ấy khiến nhiều người qua đường xúc động, dừng lại, bỏ tiền vào chiếc hòm nhỏ.
Đó không phải là một nhóm hát rong thông thường. Đằng sau nhóm hát ấy là nỗ lực duy trì một “hội” dành cho người câm điếc TP HCM của bà Thảo.
Con trai duy nhất của bà, Khiêm, bị câm điếc bẩm sinh. Sau nhiều năm nuôi dạy đứa con khiếm thính trở thành cử nhân mỹ thuật, bà nói mình thấu cảm sự khó khăn của những người câm điếc. Bà đứng ra tổ chức những hoạt động giáo dục cho người câm điếc, từ dạy chữ, dạy kỹ năng sống, cho đến việc nuôi cả những đứa trẻ câm điếc không nơi nương tựa trong căn nhà tập thể chỉ hơn 20 mét vuông của mình. Hay đôi khi, là những việc như quyên góp mua một chiếc quan tài cho người câm điếc nghèo nọ đã qua đời.
Báo chí viết về bà Thảo nhiều. Nhưng không khiến bà có một tư cách. Bà tả rằng chồng hồ sơ xin được thành lập “Hội điếc câm TP HCM” của mình đã dày cả mét. Rất nhiều lá đơn, rất nhiều quyết định của UBND thành phố. Trong căn phòng nhỏ của bà, bên cạnh mấy đứa trẻ câm điếc đang nằm ngủ, tôi đã xem hết, nhưng không thể nhớ hết. Một quy trình rối rắm được điều chỉnh bằng nhiều nghị định và thông tư. Đã gần 10 năm, bà xoay xở với đống giấy tờ ấy mong cái hội của mình được thừa nhận.
Năm ấy, tôi đã định viết nhiều về bà Thảo - trong tuyến bài vận động cho dự án Luật về Hội. Nhưng cuối cùng, như nhiều năm trong quãng 10 năm qua, nó vẫn là một dự án treo. Năm ngoái, năm nay hay năm sau viết cũng chưa muộn.
Được thành lập hội là một nhu cầu chính đáng của công dân. Chính phủ có thể có rất nhiều lý do về an ninh, về ổn định chính trị để nghi ngại về các hội. Nhưng có lần, tôi dự một bàn tròn về Luật Hội, có đồng nghiệp bức xúc: “Liên minh chung cư Hà Nội có phải là một cái hội không?”. Một nhóm các cư dân chung cư liên hiệp lại, để đấu tranh với chủ đầu tư về những vấn đề như phí gửi xe, sửa chữa điện nước, cái hố rác thông tầng... thì có phải là một nhu cầu chính đáng và rất cần thiết trong xã hội hay không? Cái gọi là “hội”, thật ra chỉ đơn giản như thế.
Nghĩ đến việc những hội như hội đồng hương Hải Phòng, hội họa mi chiến Hà Nội, hội chủ quán phở Nam Định, theo nguyên tắc phải được gọi là “hoạt động ngoài vòng pháp luật”, rất thấy có vấn đề.
Và cái nhóm hát của người câm trên đường Nguyễn Huệ, dù pháp nhân của nó đã kẹt lại ở đâu đó trong núi công văn giấy tờ trên ủy ban, thì nó vẫn là một hội. Không được gây quỹ, không được có con dấu, thì nó hoạt động bằng cái thùng quyên góp trên phố đi bộ, mấy bà cháu đổ ra sàn nhà, cùng đếm, rồi đem tiền ấy đi tổ chức hoạt động cho người câm điếc. Nó hoạt động, không phải bởi ý nguyện cá nhân của bà Thảo - mà bởi thành phố ấy, có rất nhiều người câm điếc nghèo khó cần được giúp đỡ, và họ tin bà Thảo.
Nhưng tất nhiên, nói thế không phải là không cần luật. Không có một pháp nhân, không có một cơ chế kiểm toán, bà Thảo có nhận bao nhiêu lời ra tiếng vào cũng phải chịu. Người ta có nói, bà lợi dụng bọn trẻ khuyết tật để làm tiền, cũng phải chịu.
Nhiều hội đang hoạt động, như là những tiếng hát của người câm. Người câm vẫn hát, bởi vì họ cần hát, nhưng không thể thành những lời ca, mà chỉ thành một thông điệp day dứt.
Những nghi ngại về an ninh và ổn định chính trị của cái “quyền lập hội”, nếu có cơ sở, cũng có thể được điều chỉnh bằng rất nhiều điều luật khác. Nó không phải là cơ sở để nâng lên đặt xuống mãi cái Luật về Hội - khiến nó trở thành dự án Luật mang số phận long đong nhất lịch sử. Hôm qua, tại Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội đã rất sốt ruột vì cái sự xin hoãn lần thứ rất nhiều này.
Dạo này vào Sài Gòn, tôi lên căn gác nhỏ của bà Thảo mấy lần, nhưng đều không gặp. Truyền thông đã giúp bà bận bịu hơn, làm được nhiều việc hơn với cộng đồng người câm, không cần đi hát rong xin tiền nữa. Nhưng vui đấy, rồi lại buồn ngay: vẫn lác đác đâu đó là những điều tiếng của một nhóm hoạt động tự phát "không có kiểm toán".
Bọn trẻ con câm điếc, chúng tất nhiên không thể cãi nhau. Còn bà Thảo, ai khiến bà không có nổi một cái pháp nhân cho đàng hoàng?
Đức Hoàng