Tôi viết báo, thi thoảng tham gia các chương trình truyền hình. Trên gương mặt tôi có một vết sẹo to, dài hơn 4 cm. Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ tẩy nó đi dù nhiều người góp ý ra vào. Đó là hậu quả của một vụ tai nạn giao thông trong đêm hè muộn 10 năm trước, tôi chỉ biết trong khoảnh khắc phanh tránh va chạm với nhóm thanh niên vượt đèn đỏ ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún (Hà Nội), trong tích tắc còn kịp nhận ra mặt đập mạnh xuống đường, đau đớn, rồi mọi thứ tối om. Cũng trong cái tích tắc không còn tính bằng giây ấy, một bộ phim cả cuộc đời chiếu nhanh lật chớp nhoáng từng khuôn hình cực rõ nét trong đầu là ký ức tuổi thơ, là bàn tay ấm của mẹ, là khoảnh khắc vỡ òa khi biết tin đậu đại học và còn nhiều thứ khác… Mở mắt ra là trong phòng cấp cứu, bác sĩ đã khâu xong, tê cứng nửa mặt. Có một bác gái nhặt rác đêm đó đã bế tôi vào.
Tôi đi tìm bác suốt nhiều năm nhưng vô vọng, đêm ấy không có thêm nhân chứng nào cả. Ngay cả tài sản là xe máy, chiếc cặp đi làm có máy tính xách tay… cũng được gửi cẩn thận ở công an phường và không để lại một manh mối nào. Hàng ngày đi qua ngã tư ấy tôi luôn cố hình dung ra gương mặt ân nhân, chắc hẳn bà rất phúc hậu. Có lẽ đó là một ám ảnh ký ức để củng cố cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào lòng tốt của con người luôn hiện hữu. Cuộc sống quá mong manh để kịp hoài nghi lẫn nhau.
Sau vụ tai nạn, tôi dán các miếng decal nhỏ in tên mình, địa chỉ, số điện thoại người thân vào ví và các vật dụng cá nhân trong ba lô. Có thể đó là cách giúp mình và giúp cả một vị ân nhân nào đó bớt khó khăn khi thực thi việc cứu người. Tôi cũng bắt đầu học cách sơ cứu, hình thành phản xạ biết năng nổ giúp người bị nạn xa lạ ngoài đường là vài ông say rượu ngã chổng kềnh, vài người hỏng xe đêm hôm… Xin đừng hiểu đó là một cách kể công. Khi gương mặt từng đẫm máu nằm áp suốt mặt đường lạnh ngắt đau đớn tuyệt vọng, chắc hẳn không riêng tôi, ai cũng vậy thôi đều sẽ khao khát có một bàn tay nâng mình dậy. Vì vậy, tôi kinh sợ khi đọc một số thông tin miệt thị việc cô giáo nỗ lực cứu học trò trong vụ tai nạn thảm khốc tại Ái Mộ, Gia Lâm mới đây. Đám đông ấy đã dùng nhiều thủ pháp ngôn ngữ uyên bác để cho rằng việc cấp cứu người bị nạn luôn thuộc về lực lượng chuyên biệt đã qua đào tạo. Vậy phải chăng một đám đông hiếu kỳ khoanh tay đứng xem, cẩn thận quay video nạn nhân để đăng Facebook như những khán giả lịch lãm mới là cách làm đúng đắn nhất? Đúng quá, có thể họ sẽ không bị phiền toái thêm bởi những câu hỏi từ cơ quan chức năng hay điều gì tương tự. An bài luôn là một đáp án chuẩn mực.
Rạng sáng 18/10/2010, trong khi đang cố đưa khách vượt lũ trên quốc lộ 1A gần khu vực cầu Rong, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một xe khách chở hơn 30 người đã bị cuốn xuống sông Lam khiến 19 hành khách mất tích. Theo người dân quanh vùng nơi xảy ra tai nạn, trong số 18 hành khách thoát nạn, có bảy hành khách được hai anh Thuật và Kha ở xã Xuân Lâm, huyện Nghi Xuân cứu sống. Anh Thuật lấy dây thừng buộc vào người, một đầu siết chặt lên chấn song cửa sổ và lao mình lên chiếc thuyền chăn vịt mỏng mảnh xuống dòng sông dữ. Tôi gặp anh Thuật trong ngôi nhà tuềnh toàng, giường ngủ sát với chuồng vịt vài chục con, anh có phần ngượng ngùng kể lại: “Cả đêm, vợ chồng tôi ngồi canh lũ, nhà đang bị ngập do lũ từ sông Cả đổ về. Đến khoảng 4 giờ sáng, tôi nghe tiếng kêu cứu trên sông. Tôi đoán có người gặp nạn nên gọi điện thoại cho Kha ở gần nhà, bơi thuyền đến nơi có người kêu cứu. Chúng tôi quen nghề sông nước rồi. Nghe người ta kêu cứu mình không đang tâm ngồi yên trong nhà. Tội họ lắm”. Ai bắt anh làm điều đó?
Tôi không có số liệu của các đội vận chuyển cấp cứu khẩn cấp các tỉnh thành. Nhưng theo thống kê của Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An, trong năm 2015 có đến 950 chuyến xe xuất bến nhưng không đón được bệnh nhân. Nguyên nhân là các cuộc điện thoại hoang báo, năm 2014 là 870 chuyến và năm 2013 là 700 chuyến. Bình quân mỗi ngày, tổng đài của đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An nhận được hàng trăm cuộc gọi quấy rối. Đó lại là một hiện tượng xã hội độc ác chứ không đơn giản là trò đùa. Nó khởi nguồn cho những động thái chậm chạp xen lẫn hoài nghi cứu người. Không ít người cũng luôn bi quan cho rằng sự tử tế, lòng tốt đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Nhưng theo tôi bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt.
Một vĩ nhân từng nói, đại ý rằng: Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế.
Hoàng Minh Trí