Ở đó, người ta bàn luận rất say sưa về “tam nông” - đặc biệt là việc còn nhiều nông dân vẫn đang không hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng kinh tế.
“Nông dân hiện là nhóm có thu nhập bình quân thấp nhất cả nước, và nếu tính trong khu vực Đông Nam Á, thì chỉ cao hơn nông dân ở Campuchia”, bạn sẽ thường được nghe những trăn trở như thế bên tiệc trà của hành lang một khách sạn 5 sao nào đó, giữa giờ nghỉ giải lao. Đó là chia sẻ của các chuyên gia, trên tay là một tách trà túi lọc nhập khẩu từ Sri Lanka. Đó là những tiền đề đau đáu để người ta thảo luận, kiến nghị và xây dựng chính sách.
Nông dân, những người tạo ra mục đích cho những hội thảo đó, thường không góp mặt.
Những thảo luận, và sau đó là chính sách, phục vụ cho họ, như thế được xây dựng trên những giả định lý tính là các chuyên gia, các nhà quản lý hiểu được họ đang nghĩ gì.
Câu hỏi đặt ra là: Họ có thực sự “hiểu” được người dân hay không?
Không chỉ trong nông nghiệp, nhiều chính sách được ra đời dựa trên những giả định như vậy. Và chúng ta cứ phải tự hỏi rằng tại sao lại có những “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.
Vấn đề nằm ở sự thấu hiểu của người làm chính sách với đối tượng chính sách, vốn không thể đến một chiều và dưới hình thức văn bản. Đó chỉ là sự nắm bắt hiện tượng. Còn thấu hiểu, chỉ có được bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Tôi cũng từng sống trong thế giới của những phòng hội thảo và những tách trà túi lọc một thời gian dài. Quy trình làm việc với các nghiên cứu của chúng tôi là “từ bàn giấy đến bàn giấy”, từ e-mail đến e-mail. Nhưng rồi đến một ngày, khi gặp gỡ nhiều nông dân, ngư dân, tôi nhận ra rằng đằng sau những thứ nhỏ nhặt như ánh mắt, nụ cười, cái thở dài của mỗi con người ấy, có thể là một vấn đề chính sách.
Điều chỉnh xã hội, cuối cùng, vẫn cần một quy trình xâm nhập thực tế.
Chính vì thế, tôi đánh giá cao những chính khách cố gắng tiếp xúc trực tiếp với quần chúng nhiều nhất có thể. Việc gặp mặt với những cái bắt tay, với giao tiếp bằng mắt và giọng nói không phải trên vô tuyến, tạo ra mối gắn kết đồng cảm giữa hai con người với nhau. Chúng ta vẫn tin vào con người nhiều hơn là những e-mail trả lời tự động hay những đường dây nóng không bao giờ bắt máy.
Và nhiều khi, những bức xúc tưởng như nhỏ nhặt của người dân gợi mở cho các lãnh đạo những vấn đề lớn hơn cần được giải quyết. Và tôi cũng mừng, khi nhìn thấy một vài nhà quản lý tích cực đi ra ngoài, gặp gỡ, hoặc đôi khi là trực tiếp can thiệp vào các sự việc vi mô.
Trên lý thuyết, đúng là chúng ta gần như không thiếu bất kỳ thể chế dân chủ nào để người dân bày tỏ ý kiến.
Gián tiếp, công dân được bầu đại biểu đại diện cho tiếng nói của mình ở Quốc hội, ở Hội đồng Nhân dân. Rồi họ có thể bày tỏ qua tổ chức hội đoàn, qua báo chí. Trực tiếp, người dân có thể tham gia các cuộc họp cử tri, gọi điện đến đường dây nóng, hay đến tận các phòng tiếp dân của cơ quan nhà nước. Trong tương lai, còn có thể có cả trưng cầu dân ý.
Thế nhưng, những thể chế đầy đủ này không truyền tải được cái gọi là “tâm tư” của người dân. Chúng có thể dễ rơi vào cảnh chỉ phản ánh được hiện tượng, kiểu như những nhận xét “bán vé số có thu nhập cao” mà chúng ta từng nghe. Để hoạt động trơn tru, các cỗ máy ấy cần một thứ dầu máy quan trọng: sự đồng cảm. Và để có điều đó, thì các lãnh đạo phải bước ra khỏi những căn phòng cách âm.
Niềm tin và chính danh không tự dưng mà có, chúng chỉ dành cho ai xứng đáng. Để có một hệ thống pháp luật được người dân tin tưởng trong hơn 800 năm, nhà vua Anh trước khi Hiến chương Magna Carta ra đời, dành hết thời gian của mình để rong ruổi khắp vương quốc và trực tiếp giải quyết khiếu nại của người dân.
Vì vậy, nỗ lực để chủ động gần gũi hơn với người dân, như gần đây nhất là quyết định một tháng sẽ tiếp xúc với người dân một lần, của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, là đáng hoan nghênh. Không ai quên rằng ở cổng Bộ Công thương, ít tháng trước, các doanh nghiệp đã phải chăng băng rôn để phản đối một thông tư.
Trước đó, những chuyến thị sát liên tục hệ thống cơ sở y tế của phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã mở ra nhiều gợi ý chính sách quan trọng. Đơn cử, việc tiến hành lập sổ sức khỏe điện tử cho toàn dân là một bước tiến đang rất được kỳ vọng cải thiện chất lượng chăm sóc y tế.
Việc lãnh đạo quận 1 ra đường trực tiếp chỉ đạo theo dõi việc “bắt xe” vi phạm giao thông cũng đáng ghi nhận. Khi lãnh đạo trực tiếp chạm vào đời sống, chính sách không chỉ là những con chữ khô khan mà phảng phất trong đó hơi thở cuộc sống. Mối quan hệ “dân - quan” nhiều khi về tình và lý đều nặng ngang nhau. Một thế hệ lãnh đạo ý thức được giá trị của việc “đi ra ngoài” đang hình thành.
Tất nhiên, tôi sẽ giữ niềm vui trong sáng đó bằng cách tạm tin rằng những việc làm này thể hiện một thái độ, chứ không phải là hình thức.
Nguyễn Khắc Giang