Tuy nhiên, vẻ ngoài không phải là thứ khiến tôi thích thú nhất. Do yêu cầu công tác, tôi phải làm việc với hai cơ quan của Lâm Đồng là Sở Nông nghiệp và Sở Công thương. Nếu như trước đây, tôi sẽ phải đi đến hai địa chỉ khác nhau, thì bây giờ tôi chỉ cần đi bộ từ tầng 4 (Sở Nông nghiệp) lên tầng 5 (Sở Công thương).
Sự tiện lợi của một trung tâm hành chính tập trung là điều không phải bàn cãi. Chỉ có điều, để xây dựng tòa nhà hành chính có giá trị 1.014 tỷ đồng này, tỉnh Lâm Đồng đã phải mượn tiền ứng trước từ ngân sách của UBND, Bộ Tài chính và kho bạc, do việc bán các trụ sở cũ để tài trợ cho dự án là không khả thi. Lâm Đồng không phải là cá biệt. Đến nay, có đến gần 20 địa phương đã hoặc đang có ý định xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Trong danh sách đó, có các tỉnh nghèo nhất hoặc phải nhận trợ cấp nhiều nhất từ ngân sách trung ương như Thanh Hoá, Lai Châu, Hà Giang và Hà Tĩnh. Và nếu không có yêu cầu của Thủ tướng về việc tạm dừng các “cuộc đua”, con số có lẽ không dừng lại ở đó. Người dân địa phương, vốn không được tham gia vào quá trình quyết định dự án, chỉ biết hy vọng những công trình nghìn tỷ này “đắt xắt ra miếng”.
Thế nhưng, khi Đà Nẵng xem xét di dời tòa nhà hành chính mới được khánh thành hai năm, hy vọng đó bị thử thách nặng nề. Đặc biệt là khi Đà Nẵng lấy lý do rời bỏ toà nhà 2.000 tỷ này vì “thiếu không khí” - một yếu tố có thể tính toán được bằng thiết kế kiến trúc. Tất nhiên, trường hợp của Đà Nẵng có thể chỉ là ngoại lệ. Nhưng nó cũng gợi ra câu hỏi nhức nhối về chuyện ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi những công trình nghìn tỷ ở địa phương không có hiệu quả.
Vấn đề hiện nay của Đà Nẵng nhắc nhở một thực tế: có thể một dự án “nghìn tỷ” là phổ biến trong chi tiêu ngân sách, nhưng nếu “nghìn tỷ” đó để xây bất động sản thì sau khi có phát sinh sai sót, việc sửa sai cực kỳ khó khăn.
Lãnh đạo địa phương có thể có ý tốt khi mong muốn xây dựng những công trình nghìn tỷ. Những công trình đó nhiều khi "không bổ vào thì cũng bổ ra", sẽ có lợi cho địa phương theo nghĩa nào đó. Nhưng nguồn lực ngân sách là có hạn, do đó việc chi tiêu phải tính đến hiệu quả kinh tế hơn là những giá trị mang tính tượng trưng.
Điều này cũng cho thấy sự cần thiết của quá trình tham vấn chuyên gia trước khi triển khai các dự án lớn. Tôi cho rằng các vấn đề về đặc tính kiến trúc của tòa nhà hành chính tại Đà Nẵng, hoàn toàn nằm trong tầm tính toán của các kiến trúc sư giỏi. Các kiến trúc sư hàng đầu của Đà Nẵng và cả Việt Nam, như Hoàng Quang Huy (chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Đà Nẵng) hay Nguyễn Trực Luyện (nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) trước sự kiện này, đã lên tiếng khẳng định rằng mình từng cảnh báo thành phố về các vấn đề phát sinh khi xây toà nhà như vậy.
Các địa phương chỉ là đại diện “giữ vốn” của người dân đóng góp qua thuế, chứ không phải là chủ sở hữu. Hiểu được điều này, địa phương cần cho phép sự tham gia góp ý rộng rãi của nhân dân trong cách quyết sách lớn. Trong hầu hết những câu chuyện đầu tư nghìn tỷ, người dân thường bị đặt vào sự đã rồi.
Nhà kinh tế học được giải Nobel Milton Friedman từng có một câu nói đùa nổi tiếng, đại ý là hãy đặt một cơ quan công quyền ở giữa sa mạc và chỉ 5 năm sau nó sẽ hết cát.
Nhu cầu chi tiêu của nhà nước là khổng lồ và điều đó là bình thường để người dân có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, ngân sách có hạn, và những tính toán “nghìn tỷ” - lại là “bất động sản nghìn tỷ” thì chắc chắn phải kỹ lưỡng hơn nhiều so với những chi tiêu ngân sách khác.
Nguyễn Khắc Giang