Những ai từng đi nước ngoài trong thời gian dài chắc sẽ hiểu được tầm quan trọng của nồi cơm điện. Thứ công cụ kỳ diệu này giúp người Việt sống với thói quen ăn cơm hàng ngày ở bất kỳ đâu trên thế giới. Thế nhưng chắc sẽ có chút băn khoăn với mấy cân gạo. Luôn giữ vị thế nước xuất khẩu nhất nhì thế giới, logic thông thường là việc mua gạo ta ở nước ngoài là điều không mấy khó khăn. Tại sao phải mang theo gạo để tăng thêm số cân nặng ít ỏi được cho phép trên máy bay?
Anh bạn của tôi sẽ không đồng ý với logic này. Lý do là bởi việc tìm gạo Việt ở thị trường bên ngoài không khác gì mò kim đáy bể.
Dù vài lần vượt mặt người Thái về sản lượng, gạo Việt hoàn toàn vô danh và vắng bóng trên các thị trường lớn, khi so với sản phẩm của nước bạn.
Thời gian tôi đi học ở một số nước châu Âu như Đan Mạch, Anh, và Đức, gạo thơm Thái là thứ gạo hợp khẩu vị duy nhất mà tôi có thể tìm thấy ở các kệ hàng. Hiện tại ở khu vực Liên minh Châu Âu (EU), Cambodia cũng đã xuất khẩu hơn 200 nhìn tấn sang thị trường này năm 2014. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chưa đến 30 nghìn tấn, con số không thấm vào đâu ở thị trường có 28 quốc gia và hơn 500 triệu người.
Điều này có lẽ cũng dễ hiểu khi gạo Việt thậm chí còn vô danh ở ngay sân nhà. Khi tôi vào các siêu thị ở Hà Nội hay TP HCM, tôi thấy tràn ngập trên giá là những gạo Nhật, gạo Đài Loan, gạo Hàn Quốc, hay gạo Thái. Dù giá đắt hơn nhiều, những sản phẩm này luôn đắt hàng và được ưa chuộng. Có lẽ đáng buồn hơn cả là chuyện ngay chính người dân của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng có xu hướng chọn ăn gạo Thái Lan hoặc gạo từ Cambodia, thay vì ăn gạo chính mình làm ra.
Vậy niềm tự hào trong 30 năm qua của chúng ta đang ở nơi đâu?
Câu trả lời là Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, và các nước châu Phi. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy trong năm 2014, 83% số gạo xuất khẩu Việt Nam là sang những địa điểm trên. Đặc điểm của các thị trường này là sẵn sàng chấp nhận gạo có chất lượng không cao, gạo tạp, không có thương hiệu, nhưng giá rẻ.
Nguyên tắc kinh doanh là hết sức công bằng: với sự dễ dãi về chất lượng, chúng ta không thể kỳ vọng bán được với giá cao, qua đó mang lại nhiều lợi nhuận. Trong một phiên thảo luận chính sách lúa gạo, đại diện của một công ty xuất khẩu lúa gạo ở Đồng Tháp cho rằng, cùng một loại gạo và với chất lượng như nhau, gạo Thái Lan có giá cao hơn gạo Việt đến 200 USD mỗi tấn nhờ có thương hiệu.
Trong bối cảnh tiêu chuẩn sống của thế giới ngày càng tăng và nhiều quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống đang tăng cường khả năng tự cung cấp lương thực, việc chạy đua theo số lượng sẽ khiến chúng ta luôn chịu thiệt.
Do vậy, tôi cho rằng, nếu tiếp tục tập trung vào sản lượng như những gì đã làm 30 năm qua, ngành gạo Việt Nam sẽ chỉ mãi quẩn quanh với loại gạo “không thương hiệu” giá thấp.
Liệu chúng ta có nên sống mãi với niềm tự hào rằng Việt Nam là cường quốc lúa gạo trong khi nông dân vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội, gạo Việt mất tích trên các thị trường lớn và thua ngay trên chính sân nhà?
Theo tôi, đến lúc cần phải đoạn tuyệt với những chỉ tiêu về sản lượng, những mục đích “nhiều nhất thế giới”, mà hướng tới nhiều hơn đến việc cải thiện chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Để làm được như vậy, tất nhiên sẽ có rất nhiều bài toán phức tạp cần tìm lời giải. Nhưng theo tôi, điều trước tiên là chính sách ngành lúa phải ưu tiên phục vụ “hai nhà”: nhà nông và nhà doanh nghiệp. Bởi họ chính là người phải đương đầu trực diện nhất với sóng gió của thị trường, là người hiểu thị trường nhất, và giỏi xoay sở nhất để tồn tại trong đó. Điều này, đáng tiếc chưa được thực thi với một số chính sách hiện tại, khi những “ông lớn” nhà nước vẫn thống trị thị trường, trong khi tổ chức quyền lực nhất trong ngành là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chưa có nhiều tiếng nói từ nông dân và doanh nghiệp tư nhân.
Vụ thu đông đang tới, lúa sẽ chín vàng trên những cánh đồng miền Nam và trên những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc. Khắp nơi sẽ lại tràn ngập những bức ảnh ngày mùa ở Sa Pa, Mù Cang Chải, hay Hoàng Su Phì như biểu tượng của vẻ đẹp Việt Nam.
Nhưng tôi e rằng, bạn tôi sẽ không thể mang theo bức ảnh cánh đồng ruộng bậc thang vàng ruộm trong hoàng hôn ở Mù Cang Chải để thay thế bữa ăn thèm gạo Việt ở xứ người. Và nhiều nông dân cũng không thể treo ảnh ngày mùa trong căn nhà mà hạt gạo họ trồng chưa đủ để đảo mái, cho dù chỉ là căn nhà mái rạ.
Khắc Giang