Tôi đã chứng kiến bộ mặt nặng nề của các cô điều dưỡng, đã nghe thấy những câu nói không thưa gửi, chỏng lỏn và lạnh tanh. Tôi cũng trải qua cảm giác hoảng hốt rồi lặng thinh nhìn cháu tôi, người chăm sóc chính cho chị, dùng cái xilanh 50 cc hút dịch từ ống sonde dạ dày để chị tôi đỡ buồn nôn. Cháu tự thay các chai dịch truyền, chai dinh dưỡng, chai thuốc mà không vệ sinh tay, không khử trùng nắp chai bằng những miếng giấy tẩm cồn như chúng tôi vẫn làm.
Hỏi thuốc giảm đau, cháu lôi trong túi quần vài chai paracetamol 1g và bảo thuốc này cháu xin của những giường bên, không cho bác sĩ biết. Họ không đau như mẹ cháu nên không dùng hết, khi nào mẹ đau cháu sẽ “cắm”. Nhìn mà thương chị tôi, người vừa trải qua một ca mổ ung thư đại tràng không thành công. Chị luôn kêu đau và buồn nôn. Tôi biết chị không thể phục hồi và cũng không dám bàn về phác đồ điều trị sau mổ và chăm sóc cận tử của bệnh viện. Nhưng giá mà chị tôi được chăm sóc giảm đau, giảm nôn ói, giảm nhiễm trùng như chúng tôi vẫn làm thì những ngày còn lại trên cõi đời này của chị đã nhẹ nhàng hơn nhiều.
Tuy thẳng thắn nhắc các cô điều dưỡng về một số việc, nhưng trong thâm tâm, tôi thực sự thương họ. Với lương 5 đến 6 triệu đồng một tháng, cô điều dưỡng mảnh khảnh ấy phải trông nom một buồng bệnh có 8 giường. Trung bình cô chăm sóc và theo dõi từ 13-15 bệnh nhân sau mổ.
Điều dưỡng ở Australia như chúng tôi chỉ chăm sóc khoảng 4 bệnh nhân. Chăm sóc là đầu ca phải đến chào hỏi, theo dõi mọi chỉ tiêu, biến đổi sức khỏe; phải giúp bệnh nhân giảm đau, giảm buồn nôn; phải làm thuốc, thay băng, cho ăn uống, tắm hay lau rửa; giúp đại, tiểu tiện để biết những biến chuyển của cơ thể... và làm tất cả những việc đó một cách nhẹ nhàng, tôn trọng bệnh nhân. Người nhà không phải làm gì vì đến động tác khử trùng tay họ còn chưa được học thì làm sao giúp được bệnh nhân?
Cho nên, làm người bệnh như chị tôi khổ lắm. Nơi tôi làm việc, bệnh nhân là trung tâm của bệnh viện. Nhưng muốn bệnh nhân được chăm sóc tốt thì trước tiên, điều dưỡng, bác sĩ phải được làm việc trong môi trường tốt: họ phải có lương đủ sống, phải có tỷ lệ bệnh nhân/điều dưỡng/bác sĩ thích hợp và trong môi trường khá an toàn về mọi mặt. Cô điều dưỡng bé nhỏ kia dù giỏi đến đâu cũng không thể chăm sóc tử tế từng ấy bệnh nhân một lúc. Cô chỉ là một con người, đâu phải siêu nhân.
Cô còn làm việc trong một buồng bệnh chật hẹp mà các giường cách nhau chỉ đủ cho một người đứng. Buồng bệnh mới mà không có chỗ rửa tay hay một chai kem sát trùng tay. Không lẽ chỉ cần một cái áo màu trắng hay màu vàng khoác lên người với đôi găng tay “đa dụng” là họ có thể làm mọi việc chăm sóc và theo dõi bệnh nhân? Màu áo không quan trọng, quan trọng là phải rửa tay đúng cách trước và sau khi làm mọi việc có tiếp xúc với bệnh nhân, quan trọng là mỗi dụng cụ liên quan đến điều trị xâm lấn cần được khử trùng đúng cách.
Dù buồn vì tình trạng của chị, tôi cũng xin gặp cô điều dưỡng, chỉ muốn nói lời cảm ơn trước khi chia tay. Khi biết tôi cũng là điều dưỡng, cô đã thanh minh về hoàn cảnh và khối lượng công việc. Tôi hỏi “sao các cháu không kêu lên cấp trên để có thêm điều dưỡng, giảm khối lượng công việc? Sao các cháu không yêu cầu bệnh viện tăng lương, giảm giờ làm? Các cháu có tham gia công đoàn không?...”. Với tất cả câu hỏi của tôi, cô chỉ cười chua chát “có nói cũng chẳng có kết quả gì”.
Tôi cũng hiểu, tình trạng “có nói cũng chẳng kết quả gì” đang tồn tại ở rất nhiều nơi trên khắp Việt Nam, chứ không chỉ ở cái nơi mà rất nhiều người chỉ còn chút ít thời gian để sống.
Nguyễn Thị Nhuận