Khi phong trào lấy chồng Đài Loan rộ lên ở quê tôi, tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng ánh mắt u sầu của những cô dâu (và đôi khi của cả cha mẹ cô dâu) - trong ngày được xem là vui nhất của đời người - đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Người ta đổ lỗi cho cái nghèo nên đành nhắm mắt đưa chân, đặt một canh bạc may rủi cho đời mình.
Những gì tốt đẹp thường được phô ra nên mỗi lần các cô gái lấy chồng ngoại về quê, làng xóm thường chứng kiến cảnh gia đình, họ hàng các cô được trang bị xe cộ đắt tiền, điện thoại đời mới, hoặc có khi cả một căn nhà mới xây khang trang... Những thứ hào nhoáng ấy càng làm cho nhiều người thèm muốn và thúc giục những cô gái độc thân tiếp bước theo. Mấy ai thấy được cảnh những cô dâu Việt bị vắt kiệt sức ở xứ người, nước mắt chan cơm, và những tháng ngày cô độc không ai san sẻ? Trong đó có rất nhiều trường hợp không có đủ tiền về thăm nhà, thậm chí không có cơ hội trở về nữa.
Một anh bạn tôi là luật sư ở Hàn Quốc thường gặp những trường hợp vợ Việt lấy chồng Hàn nhiều năm, sinh con và chu toàn nhiều thứ cho gia đình nhưng vợ chồng lục đục bởi chồng không chịu ký tên cho vợ nhập quốc tịch vì sợ sau đó vợ sẽ bỏ đi, như nhiều trường hợp đã xảy ra ở nước này. Những cuộc hôn nhân được quyết định chóng vánh không xuất phát từ tình yêu và mong muốn xây dựng gia đình thực sự, và những cô gái lấy chồng xuất phát từ sự toan tính trục lợi từ hôn nhân thường dẫn đến những kết thúc đầy bi kịch, cho một hoặc cả hai bên.
Không chỉ những cô gái xuất thân nghèo khó, ít học mới mong đổi đời nhờ chồng ngoại. Một số phụ huynh và học sinh ban đầu thường liên hệ với tôi để nhờ tư vấn du học, nhưng rất nhanh sau đó liền bày tỏ thẳng thừng liệu con gái họ có thể lấy chồng bản xứ để có cơ hội định cư nước ngoài hay không. Dù có cố giải thích visa sinh viên không dành cho những đối tượng có mục đích kết hôn để định cư, tôi biết khó mà lay chuyển ý định của họ. Tôi đã gặp không ít trường hợp các em gái đi du học nghĩ rằng cứ có bầu với người bản xứ thì sẽ được định cư. Mới đây, vị giám đốc quan hệ quốc tế một trường đại học danh tiếng ở Melbourne than thở với tôi rằng ông và các đồng nghiệp rất đau đầu vì học kỳ vừa rồi có đến vài chục du học sinh nữ vừa nhập học vài tháng đã vác bụng bầu đến xin nghỉ học. Tôi phải nhấn mạnh rằng đầu vào tuyển sinh của trường này thuộc hàng top Australia, vì vậy học lực của những du học sinh kia chắc chắn không phải thuộc loại làng nhàng. Nhưng họ đã không nhận rõ được rằng giá trị và tương lai của bản thân mình xứng đáng rất nhiều hơn thế.
Có lẽ tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nhiều người, nên hễ cứ nghe cái gì có liên quan đến “nước ngoài” là họ mặc nhiên cho rằng nó tốt hơn “trong nước”. Tôi không nghĩ vậy. Không phải cứ là đàn ông nước ngoài thì hay hơn đàn ông trong nước, và ngược lại. Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc và ai cũng xứng đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng tôi tin hạnh phúc không phải là một canh bạc rủi, may nhất là khi hôn nhân dựa trên những toan tính đổi đời.
Huỳnh Thị Ngọc Hân