Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến hết tháng 7 có 68/89 trường THPT ngoài công lập chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 được giao (thiếu 40%). Trong đó, không ít trường chỉ tuyển được 5-10 em, bằng 10-20% chỉ tiêu đặt ra.
*Các trường THPT tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu |
THPT Trần Thánh Tông là một trong những trường bị thiếu nhiều học sinh trong đợt tuyển vào lớp 10 vừa qua. Chỉ tiêu của trường là 80 em nhưng chỉ tuyển được 20 học sinh. Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Phó Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Văn Sáng cho biết, việc thiếu chỉ tiêu tuyển sinh là tình trạng chung năm nào cũng xảy ra ở các trường cấp ba dân lập chứ không riêng THPT Trần Thánh Tông.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, theo ông là do chỉ tiêu đầu vào của các trường THPT công lập quá lớn, trường tư không còn suất nữa.
Tuy nhiên, hiệu trưởng trường dân lập Mari Curie, ông Nguyễn Xuân Khang lại cho rằng, nguyên nhân chủ quan và quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nhiều trường tư thiếu chỉ tiêu tuyển sinh là uy tín và chất lượng đào tạo chưa cao.
"Một số trường có cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo rất tốt như Olympia, Adecamy nhưng vẫn thiếu học sinh. Khi đó, chúng ta phải xem lại uy tín và chất lượng giảng dạy của trường mình", hiệu trưởng trường THPT Mari Curie nói.
Việc học phí của trường ngoài công lập cao (có những trường hơn 10 triệu đồng/tháng) và chỉ tiêu tuyển sinh của trường công lập lớn chỉ là yếu tố khách quan khiến trường tư thiếu học sinh.
Chứng minh cho luận điểm này, ông Khang ví dụ, trường THPT Mari Curie có mức học phí khá cao là 2-3 triệu đồng/tháng (học phí trường công lập là 100-120.000 đồng/tháng) nhưng nhà trường vẫn tuyển sinh không hết học sinh. Năm 2014-2015, cấp ba Mari Curie lấy 280 chỉ tiêu (không phải 400 chỉ tiêu như thông báo của Sở GD-ĐT) nhưng có đến hơn 1.5000 hồ sơ đăng ký.
"Nguồn học sinh để nhận vào lớp 10 của THPT Mari Curie không thiếu. Muốn 400 em cũng được nhưng chúng tôi chỉ nhận 280 học sinh, tương ứng với 8 lớp, mỗi lớp 35 em cho phòng học đúng với chuẩn quốc tế chứ không ghép thêm được", ông Khang nói.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, việc các trung tâm giáo dục thường xuyên được đào tạo 11-12 môn học như trường phổ thông nên thu hút học sinh.
Là một phụ huynh có con năm nay sẽ thi vào lớp 10, chị Nguyễn Lệ Thu (Hà Nội) cho biết, lý do quan trọng nhất để chị và nhiều bạn bè chọn trường công thay vì trường tư dù cơ sở vật chất có thể hơn, bởi trường công có uy tín và chất lượng đào tạo hơn. Vị phụ huynh này cho rằng, chỉ một số lớp trong các trường dân lập danh tiếng có chất lượng đào tạo tốt. "Hầu hết các lớp còn lại phải gọi là tồi tệ. Học sinh đạo đức kém, tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, trang điểm lòe loẹt. Tôi có con gái nên muốn cháu vào học ở môi trường lành mạnh", chị Thu nói.
Theo vị phụ huynh này, mức học phí quá cao, hơn 10 triệu đồng/tháng của một số trường dân lập cũng là nguyên nhân khiến các bố mẹ ái ngại khi cho con vào học.
Đánh giá nguyên nhân của thực trạng hầu hết trường THPT ngoài công lập thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Nguyễn Hiệp Thống cho biết, không thể nói vì các trường công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn mà trường tư thiếu người học. Có những trường dân lập vẫn tuyển không hết số hồ sơ đăng ký. Một số trường tư, chúng tôi giao chỉ tiêu lớn lại không tuyển nổi học sinh.
Giải pháp quan trọng nhất cho thực trạng này là các trường tư phải nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo, không để tình trạng một số trường dân lập có 90 học sinh lớp 12 mà tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp chỉ 30% như năm vừa qua.
"Chúng ta không thừa trường tư thục nhưng các trường phải chứng cho phụ huynh thấy chất lượng đào tạo của trường mình là tốt, đáp ứng được nhu cầu của người học thì mới thu hút học sinh được", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nói.
Quỳnh Trang