* Hướng dẫn làm bài thi môn Địa
Với 90 phút, đề thi môn Địa lý có tới hai câu hỏi về vấn đề biển, đảo, trong đó có yêu cầu thí sinh giải thích tại sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của Tổ quốc.
Trong số 4 câu hỏi của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Địa lý, câu hỏi đầu tiên yêu cầu thí sinh kể các bộ phận của vùng biển Việt Nam và nêu tên các loại khoáng sản ở vùng biển này. Câu 2 yêu cầu thí sinh giải thích tại sao cần bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của đất nước.
Quang Anh (12A7 THPT Nhân Chính) nhận xét, đề thi năm nay phù hợp với khả năng của học sinh. Phần vẽ biểu đồ không khó khi vì đọc đề xong có thể biết ngay là biểu đồ cột.
"Trước khi đi thi em đã dự đoán chắc chắn sẽ có câu hỏi về biển Đông vì đây là vấn đề thời sự. Tuy nhiên, em không nghĩ được đề lại ra hay và ý nghĩa như thế, vừa giúp chúng em hiểu được các bộ phận của vùng biển Việt Nam, thế nào là vùng 12 hải lý, thế nào là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... Đồng thời, giải thích được ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền đất nước", Quang Anh nói.
Theo nam sinh này, khi chủ quyền trên biển của đất nước bị xâm lấn thì bằng mọi giá mọi người dân Việt Nam phải bảo vệ, bởi đó là vấn đề thiêng liêng, và để có được thì các thế hệ cha ông đã phải đổ nhiều xương máu.
"Câu hỏi về biển là câu em làm bài tự tin nhất. Em nghĩ mình phải được trên 7 điểm", Quang Anh tâm sự.
Bùi Anh Vũ (12A2 THPT Nguyễn Siêu) cũng cho rằng đề thi rất hay khi nói đến vấn đề đang nóng nhất hiện nay. Vũ chỉ làm hai phần ba thời gian là xong toàn bộ bài thi. Cuốn Atlat địa lý cũng hỗ trợ đắc lực vì có nhiều câu hỏi cần dùng đến tập bản đồ này.
Ở TP HCM, hội đồng thi trường THPT Trần Đại Nghĩa có rất nhiều học sinh rời khỏi hội đồng thi khá sớm. Là một trong những thí sinh ra sớm nhất tại hội đồng này, Yến Nhi, học sinh trường THPT Đăng Khoa cho biết đề Địa vừa sức không khó với 4 câu hỏi. Trong đó ở câu cuối thêm một lần nữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông lại vào đề thi.
Trong câu hỏi này đề thi cho thí sinh dựa vào Alat địa lý và yêu cầu nêu tên hai quần đảo xa bờ và hai huyện đảo của nước ta, đồng thời giải thích tại sao phải kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước ta trên Biển Đông. Ở câu này Nhi cho biết Hoàng Sa và Trường Sa chính là hai quần đảo của nước ta.
Đặc biệt Nhi rất tâm đắc với câu hỏi tại sao cần phải kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, ở câu hỏi này Nhi cho biết nươc ta có 5 vùng biển bao gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng nội thị, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp với lãnh hải. Trong đó vùng biển đặc quyền kinh tế chúng ta có quyền tự do khai thác khoáng hải sản và quyền tài phán nên nó đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Để đảm bảo được quyền lợi và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, người Việt Nam cần phải bảo vệ vùng biển này. Trong bài làm Nhi cũng đã đưa việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chúng ta đang kiên quyết bảo vệ đấu tranh để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.
Tương tự, trong phần bài làm của minh Ngọc Phúc, học sinh trường Đăng Khoa cũng cho biết ngoài việc giải thích tầm quan trọng của vùng biển đặc quyền kinh tế, lý do cần phải bảo vệ Phúc đã vận dụng khá nhiều vấn đề thời sự trong thời gian gần đây để làm câu hỏi này.
“Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông cùng với các vùng biển khác là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, đây cũng chính là hệ thống để chúng ta căn cứ khai thác các nguồn lợi từ biển, đồng thời là cơ sở để khẳng định chủ quyền trên biển và đảo của nước ta. Với tầm quan trọng đó Việt Nam cần phải kiên quyết bảo vệ vùng biển này cũng như toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”, Phúc nhận định
Ở những câu hỏi còn lại Phúc cũng cho rằng rất dễ “ăn điểm”, đặc biệt là phần vẽ biểu đồ về dân số Việt Nam. Còn câu 1 và câu 2 trong đề thi đều là những phần kiến thức cơ bản. Phúc tự tin cho biết sẽ đạt 8 điểm trở lên ở môn thi này.
Sáng mai, thí sinh thi hai môn tự chọn Ngoại ngữ, Sinh học, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp năm 2014. VnExpress sẽ cập nhật đáp án trong thời gian sớm nhất.
Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên dạy giỏi môn Địa lý của tỉnh Thanh Hóa nhận xét, đề thi tốt nghiệp môn Địa rất hay và sát chương trình, bám sát tình hình thực tế. Trong đề có 2 câu nhắc về biển Đông, chiếm khoảng 30% lượng điểm, tập trung vào chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên biển. Câu đầu tiên yêu cầu học sinh hiểu về vùng biển và giá trị kinh tế của vùng biển đó, nhưng ý nghĩa cũng hướng về ý thức chủ quyền lãnh thổ. Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần nêu được vùng biển Việt Nam bao gồm 5 bộ phận cấu thành theo Công ước quốc tế về luật biển năm 1982, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Câu 2, đề yêu cầu thí sinh giải thích tại sao cần bảo vệ chủ quyền ở những hòn đảo dù rất nhỏ - tức là khẳng định chủ quyền không chỉ ở hòn đảo lớn mà ngay cả hòn đảo nhỏ bé. Câu hỏi muốn nêu bật ý nghĩa về hệ thống tiền tiêu của đảo. Học sinh phải khẳng định được dù rất nhỏ nhưng mỗi hòn đảo đều là một phần lãnh thổ của đất nước. Bảo vệ chủ quyền của đảo chính là khẳng định chủ quyền của nước ta ở vùng biển và thềm lục địa xung quanh. Theo cô Thương, những câu hỏi sau khá đơn giản, học sinh chỉ cần học thuộc lý thuyết. "Nhìn tổng thể đề thi thấy đơn giản nhưng các câu hỏi không phụ thuộc nhiều vào tài liệu mà yêu cầu học sinh phải có tư duy, sáng tạo. Đề này đã đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, giúp học sinh không phải học máy móc", cô Thương nói và nhận định, thí sinh sẽ được nhiều điểm khá ở môn thi này. |
Hoàng Thùy - Nguyễn Loan - Trường Phạm