Được giao phụ trách điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo thay Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 4/2010, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có 8 nhiệm vụ phải thực hiện trong nhiệm kỳ. Những nội dung lớn là: Xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trình Quốc hội Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy hoạch hệ thống các trường cao đẳng, đại học sư phạm; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm.
Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Luận đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh để từng bước có hệ thống giáo dục quốc dân linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo và giữa các hình thức giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và hội nhập quốc tế.
Năm 2011, Quốc hội ra Nghị quyết yêu cầu xây dựng Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Tư lệnh ngành Giáo dục đã chủ trì soạn thảo để Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngay khi Nghị quyết được ban hành, hàng loạt giải pháp được Bộ trưởng chỉ đạo triển khai, như: tiếp tục thực hiện các phương pháp dạy học mới, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa thực nghiệm các vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình giáo dục phổ thông mới, từng bước chuẩn bị cho giáo viên thích ứng với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.
Thông tư 30 được Bộ trưởng ban hành quy định bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học, thay vào đó giáo viên sẽ đánh giá, nhận xét học sinh hàng ngày, trên tất cả các mặt học tập, đạo đức, rèn luyện... Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, song việc đánh giá kết hợp nhận xét trong quá trình học với kết quả kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học đã theo sát được sự tiến bộ của học sinh. Việc không so sánh em này với em khác trong quá trình học tập đã tránh được sự mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn, tạo hứng thú trong học tập cho các em.
Vấn đề quản lý giáo dục đại học cũng được Bộ trưởng chỉ đạo đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, như giao tự chủ tuyển sinh, tự chủ trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Các trường chủ động xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành, chuyên ngành đào tạo; quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp.
Trong 5 năm, đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Trận đánh lớn
"Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn" |
Tháng 9/2013, sau thời gian dài chuẩn bị và xin ý kiến, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được công bố.
Chia sẻ với VnExpress lúc bấy giờ, Bộ trưởng Luận cho biết, đổi mới là việc làm cấp bách vì ngành giáo dục đang dạy kiến thức nhiều, kỹ năng ít; thầy dạy gì, trò học nấy. Thi cử là cuộc chạy đua căng thẳng với số phận chứ không phải là kiểm tra chất lượng, trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi không chỉ của thế hệ trẻ mà cả xã hội.
Từ thực tế này, đào tạo giáo viên được chọn làm việc khởi đầu bởi chính là "máy cái" tạo ra các sản phẩm, người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác, vận dụng kiến thức.
"Tôi hình dung công cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy cô và học sinh, sinh viên. Không thể dừng lại để triển khai việc thay đổi mà phải vừa chạy vừa điều chỉnh, tự đổi mới. Nếu tăng tốc đột ngột hay cua gấp dễ bị tai nạn... Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn", ông nói với VnExpress.
Tư lệnh ngành giáo dục tâm sự không có ý nghĩ gì về chuyện đánh cược sinh mệnh chính trị cho cuộc đổi mới giáo dục vì những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện đề án đã được lường trước. Bộ Giáo dục tự tin và chủ động khi thực hiện nhiệm vụ được giao phó.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Một trong những công việc nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Sau thời gian dài chuẩn bị, tháng 4/2014, đề án được trình trước Thường vụ Quốc hội và ngay lập tức nhận được sự quan tâm của toàn xã hội vì kinh phí dự toán lên tới 34.000 tỷ đồng. "Con số quá lớn", nhiều chuyên gia nhận xét. Bộ Giáo dục phải tổ chức họp báo khẩn giải thích. Sau đó, trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "34.000 tỷ đồng chỉ là nhầm lẫn", vì đó là con số được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau, dùng để thực hiện nhiều công việc khác nhau.
4/2015, đề án mới được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh; tăng cường tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy cô giáo. Các cấp học sẽ có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn những bộ sách phù hợp.
Tháng 8 vừa qua, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể được công bố lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, chương trình sẽ tích hợp mạnh ở lớp học dưới, phân hoá dần ở lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn. Trong cả cấp học trung học phổ thông, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục.
Song song với việc lấy ý kiến, Bộ trưởng Luận đã chỉ đạo tập huấn cho toàn bộ trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo trao đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; chuẩn bị nhân sự làm chương trình các môn học.
Hiện, Bộ Giáo dục hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể trên cơ sở tiếp thu ý kiến các tổ chức, cá nhân. Sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định, chương trình tổng thể sẽ được phê duyệt làm cơ sở xây dựng chương trình môn học. Bộ trưởng cho biết khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở khung do Bộ Giáo dục ban hành.
Kỳ thi "2 trong 1"
"Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân mà mong có sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà" |
Chọn thi cử là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quyết định tổ chức kỳ thi "hai trong một" với kết quả thi được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Kỳ thi đã được tổ chức thành công, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội khi các em chỉ phải dự thi một đợt duy nhất (thay cho 2-3 đợt như trước), đến điểm thi gần hơn khi các cụm thi được tổ chức tại các địa phương. Kỳ thi cũng khắc phục tâm lý thi cử nặng nề, tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học khi đề thi không còn đơn thuần kiểm tra học thuộc mà yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn...
Nhưng nếu như phần thi diễn ra thành công và đạt được mục đích thì khâu xét tuyển lại xuất hiện nhiều hạn chế. Đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài 20 ngày với quy định cho phép thay đổi nguyện vọng nên thí sinh, người nhà ở khắp nơi đổ về các trường đại học lớn, vạ vật, mệt mỏi chờ rút - nộp hồ sơ. Hạ tầng công nghệ chưa đạt yêu cầu làm trang công bố điểm thi bị nghẽn thời gian dài, khiến xã hội bức xúc. Đặc biệt, việc kê khai hồ sơ nhiều sai sót dẫn đến việc hàng loạt thí sinh nhập học cả tháng trời mới biết mình rớt đại học.
Rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 21/8, Bộ trưởng Luận cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp.
"Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", ông Luận nói, đồng thời công bố giải pháp khắc phục trong đợt xét tuyển thứ hai.
Sau khi kỳ thi hoàn tất, Bộ trưởng cũng đã chủ trì nhiều Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi, nghe ý kiến để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia năm 2016 trong thời gian tới.
Nhìn lại 5 năm qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tự đánh giá đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội. Ông cho rằng một số nhiệm vụ là công việc lâu dài, nhưng đã có chuyển biến như xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý dạy thêm, học thêm. Việc phát triển trường chuyên, tổ chức thi THPT quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học chưa hoàn thành, nhưng có chuyển biến tích cực. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ.
"Công cuộc đổi mới giáo dục là một hành trình dài. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ, tin tưởng từ người dân, sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ các thầy, cô giáo. Khi bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến người lính đều phải có quyết tâm cao và có niềm tin chiến thắng", Bộ trưởng Luận nói và cho biết, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề ra phương án hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần nghị quyết 29 để trình Chính phủ.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014
Kiến nghị cử tri được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10/2015 cho thấy nhân dân chưa hài lòng với chất lượng giáo dục hiện tại. Nhân dân bày tỏ sự bức xúc khi quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 kéo dài, nguyện vọng thay đổi liên tục, tạo tâm lý bất an. Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm, đặc biệt ở bậc tiểu học còn diễn ra phổ biến. Tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập dưới hình thức đóng góp tự nguyện của hội cha mẹ học sinh gây khó khăn cho người dân. Các bộ, ngành hữu quan cũng chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều năm, lãng phí nguồn lực lao động được đào tạo cơ bản. |
Hoàng Thùy