Liên quan đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên, ngày 25/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua việc tự chủ chỉ được bàn đến nhiều ở giáo dục đại học, chưa đề cập ở giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành. Vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ Giáo dục đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Nhạ thông tin, giáo dục phổ thông chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính, mà là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Từ trước đến nay, các trường đã được phân quyền nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt. Đồng thời, khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường là tổ chức bộ máy và nhân sự. Thực tế các trường mới có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao, nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây khó khăn cho các trường.
Ông Nhạ cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
"Mọi thay đổi của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng", Bộ trưởng Giáo dục nói và khẳng định lâu nay xã hội vẫn đề cập tới vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống khó khăn.
"Đó là sự thật và cũng là món nợ mà người đứng đầu ngành như tôi cảm thấy day dứt khi chưa trả được. Nhưng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức đã được quy định chung", Bộ trưởng trăn trở.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không thể làm ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác, coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.
Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu giáo viên nên Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra. Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành giáo dục.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hữu quan và các địa phương để cụ thể hóa chủ trương này trong thời gian tới. Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục", Bộ trưởng Nhạ nói.