Ghi nhớ những điều cần tránh sau đây khi tiếp cận một môn ngoại ngữ sẽ giúp quá trình học của bạn trở nên thuận lợi hơn:
1. Hãy ngừng dịch
Dịch chỉ là thứ bạn cần làm khi còn ở giai đoạn đầu. Còn khi bạn đã sở hữu kho từ vựng ở mức cơ bản, bạn nên ngừng suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ và cố gắng dịch mọi câu tiếng Anh nhìn hay nghe thấy. Việc này không khác nào bạn tự đặt ra giới hạn cho bản thân và làm chậm quá trình học.
Khi đọc, nghe ai đó nói gì, bạn hãy tập trung vào những từ mình đã biết và từ đó đoán nghĩa của toàn câu, đoạn. Tập cho mình thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh trước một câu hỏi tiếng Anh, bạn sẽ không mất nhiều thời gian khi trả lời và hạn chế được thói quen "ah", "uh" khi vừa nói vừa dịch.
2. Ngừng lo sợ mắc lỗi
Nỗi sợ hãi có thể là một rào cản khổng lồ khiến bạn ngày càng khó chạm được ước mơ giỏi tiếng Anh. Nếu bạn biết quy tắc ngữ pháp, nhưng phải vật lộn mãi mới hoàn thành một cuộc hội thoại, điều này không có nghĩa là bạn nên lảng tránh hoạt động nói.
Hãy ngừng nghĩ ngợi về việc người khác sẽ phản ứng như thế nào trước lỗi sai. Ai cũng mắc lỗi cả và điều quan trọng là rút ra kinh nghiệm gì từ những lỗi đó. Đó mới là cách chúng ta tiến bộ từng ngày.
3. Ngừng tự nói một cách tiêu cực
Giữ thái độ tiêu cực không giúp bạn tiến bộ mà ngược lại. Nếu bạn phát hiện ra mình thường xuyên nói những câu sau thì cần bỏ ngay:
- Tại sao lúc nào mình cũng làm sai? Mình thật ngu ngốc!
- Tôi luôn mắc lỗi. Tôi sẽ chẳng bao giờ khá lên được.
- Tôi chẳng biết nói gì. Thật khó khi nói tiếng Anh.
Sau khi dẹp bỏ những câu như trên, bạn cần chuyển sang nói một cách tích cực hơn. Ví dụ, thay vì "Tôi sẽ không bao giờ khá lên được", bạn nên chuyển thành "Tôi sẽ tiếp tục cố gắng. Ngày mai tôi sẽ khá hơn hôm nay".
Thay vì "Xin lỗi, tôi không nói được tiếng Anh, tôi không hiểu bạn nói gì", bạn hãy nói rằng "Xin lỗi, tôi vẫn đang cố gắng học tiếng Anh. Bạn có thể nói chậm hơn được không?".
4. Dừng việc xấu hổ
Nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi rõ ràng sẽ khiến kỹ năng tiếng Anh của bạn ngày một tốt lên. Tuy nhiên, không phải ai cũng vượt qua nỗi xấu hổ, run rẩy khi cất tiếng.
Nếu bạn xấu hổ, hãy tự nói một mình. Khi đã có sự tự tin nhất định, bạn có thể tìm kiếm cơ hội giao tiếp với người bản ngữ. Việc này sẽ khiến bạn có cảm giác rơi ra ngoài vùng an toàn, tuy nhiên càng cố gắng học tập bạn sẽ càng cảm thấy tự tin, thoải mái hơn.
5. Đừng chỉ học trong lớp
Học tập trong môi trường lớp học là một điều hay vì bạn có thể hỏi đáp với thầy cô giáo, chia sẻ ý tưởng với bạn cùng lớp. Tuy nhiên, tiếng Anh khác các môn khác ở chỗ cần áp dụng những gì học được trong lớp ra ngoài môi trường sống, giao tiếp với mọi người vì đó mới là nơi ở của ngôn ngữ.
Nếu không luyện tập bên ngoài lớp học, khả năng tiếng Anh sẽ bị giới hạn. Học ở môi trường bên ngoài không chỉ ở chỗ giao tiếp với người khác, mà còn từ các phương tiện khác như xem phim, nghe nhạc để tiếp cận với những từ ngữ, cách nói mà trong lớp không có.
6. Ngừng ý nghĩ từ bỏ
Cũng giống như các vận động viên chuyên nghiệp, việc học ngoại ngữ đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên, liên tục. Nếu bạn ngưng lại một thời gian, những gì học được sẽ rơi rụng dần và kỹ năng ngoại ngữ đi thụt lùi.
Do đó, bạn cần liên tục luyện tập để duy trì những gì học được và tiếp thu những cái mới.
7. Dừng sử dụng những phương pháp học ngoại ngữ lỗi thời
Một thời, việc học ngoại ngữ tập trung vào học ngữ pháp, ghi nhớ các quy tắc. Tuy nhiên, các chuyên gia ngày nay chứng minh rằng những phương pháp như vậy không hiệu quả.
Nhiều sinh viên đã học tiếng Anh hàng năm trời, thuộc làu tất cả các quy tắc ngữ pháp và cấu trúc câu, nhưng khi giao tiếp ngoài đời thực thì không thực hiện nổi một đoạn hội thoại lưu loát.
Do đó, phương pháp học mới cho rằng điều quan trọng là cần tập trung vào giao tiếp. Người học có thể học qua các tình huống cụ thể khi tiếp xúc với người khác hoặc đặt trong các tình huống thực tế hơn là ngồi học quy tắc trong sách vở.
8. Đừng chỉ tập trung vào một kỹ năng mà lơ là các kỹ năng còn lại
Nói là kỹ năng quan trọng của tiếng Anh, nhưng đừng vì thế mà lơ là việc học các môn khác như đọc, nghe và viết. Trên thực tế, các kỹ năng đều có sự bổ trợ cho nhau. Ví dụ, môn đọc cung cấp cho bạn vốn từ để giao tiếp và môn nghe giúp bạn có khả năng nắm bắt ý của người đang nói chuyện với mình. Do đó, ngoài việc luyện nói, bạn cũng nên dành thời gian học đầy đủ bốn kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc làm chủ một ngôn ngữ.
Thanh Bình