Ngày 11-12/4, các buổi học ở trường Tiểu học Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) diễn ra khác mọi ngày khi 1.500 học sinh toàn trường được chia làm 8 ca tham gia học kỹ năng chống quấy rối và xâm hại. Các em được tìm hiểu về vùng riêng tư trên cơ thể không được để người khác chạm vào, những người có thể tin tưởng, hay những động tác đơn giản giúp thoát hiểm khi gặp người xấu. Đứng lớp là nhóm dự án giáo dục giới tính với tất cả thành viên là sinh viên.
Những câu trả lời thú vị về vùng riêng tư của cơ thể qua tranh.
Ở phần tìm hiểu vùng riêng tư trên cơ thể, nhóm dự án cho học sinh chơi trò chơi và vẽ tranh nhằm đo lường sự hiểu biết. Nhiều em hăng hái phát biểu, không ngần ngại nói tên chính xác vùng kín, nhưng hầu hết chưa biết đầy đủ vùng riêng tư để nói "không" với những người có ý định chạm vào.
Khi được yêu cầu phản ứng nhanh với các tình huống mà nhóm dự án đưa ra, nhiều học sinh lúng túng không biết có nên cho người khác hôn môi hay chạm má. Nhưng chỉ sau vài phút, tất cả các em đã xác định được những bộ phận có thể hay không thể cho người khác chạm vào.
"Trước buổi học này, em chỉ nghĩ bộ phận sinh dục là vùng kín chứ chưa biết chính xác các vùng riêng tư không để người khác chạm vào như vùng ngực, môi, vùng đùi non hay mông. Buổi học rất thú vị, giúp em biết thêm nhiều kiến thức để tránh bị người xấu xâm hại", một học sinh lớp 3A5 nói.
Học sinh xác định các vùng không để người khác chạm vào.
Đến phần tìm hiểu và thực hành một số động tác giúp trẻ thoát khỏi người có ý định quấy rối, gần 200 học sinh của mỗi ca đổ dồn ánh mắt về phía sân khấu. Khi một bạn nữ lớp 1A5 không đưa ra được cách đối phó và bị người xâm hại giả định kéo đi, học sinh phía dưới đứng cả dậy, hét lên như thể bạn mình bị bắt cóc và xâm hại thật.
Bảo Long, học sinh lớp 3A5, là người đầu tiên thực hiện được những động tác đơn giản và thoát khỏi người xấu. Em hào hứng diễn lại các động tác xoay người, đạp vào vùng bụng của người xâm hại để các bạn khác nhìn và học theo.
Một nam sinh lớp 2A5 tỏ ra thích thú khi xem "đàn anh" biểu diễn. "Nếu là em, em sẽ phản kháng mãnh liệt với người xấu bằng cách cắn vào tay và giật tóc hắn", học sinh này nói.
Những động tác đơn giản giúp trẻ thoát khỏi người có ý định xâm hại.
Nguyễn Thị Song Trà, trưởng nhóm dự án đồng thời là người trực tiếp đứng lớp, cho biết trải qua gần hai năm thực hiện dự án, từng giảng dạy tình nguyện ở nhiều trường tiểu học từ miền Bắc đến miền Trung, em nhận thấy nhiều học sinh chưa nắm bắt đầy đủ kiến thức về chống xâm hại.
"Không chỉ dạy nội dung cơ bản theo từng độ tuổi, nhà trường và gia đình cần trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng nâng cao dần để hiểu biết toàn diện về giới và cách phòng chống quấy rối và xâm hại", Trà nhận định.
Cô Bùi Thị Thu Phương, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, cho biết giáo dục giới tính, hướng dẫn kỹ năng chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết và trường Phương Liệt đang cố gắng để cung cấp cho học sinh đầy đủ phần kiến thức này.
"Những vụ xâm hại trẻ em cả trong và ngoài nước thời gian gần đây là lời cảnh báo với toàn xã hội. Đó cũng là lý do chính khiến nhà trường phải tăng cường các buổi giáo dục kỹ năng cho học sinh nhằm tránh tối đa hậu quả", cô Phương nói và cho biết thêm ngoài các chương trình giáo dục tập trung, giáo viên trong trường cũng thường xuyên đưa kiến thức về giới vào các tiết học hàng ngày.
Thanh Tâm