Tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Thu Ba vào một buổi chiều muộn ở thôn Thanh Khê, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đường vào nhà chị men theo một con suối nhỏ, quanh co, dốc đá dựng đứng, đá tảng từng phiến chắn hết lối đi. Ngôi nhà cấp bốn tạm bợ, tuềnh toàng, nằm trên quả đồi và tách biệt với những hộ dân khác nên buồn thảm, heo hút.
Gặp chị, tôi mới hiểu thêm gia cảnh đáng thương, đau lòng mà gia đình chị mới trải qua trong thời gian cách đây (chưa đầy 2 tháng). Chị và anh Phạm Đức Hùng lập gia đình từ năm 2007, tới nay hai vợ chồng đã có 3 con: đứa đầu là Phạm Đức Huy lớp 4, (9 tuổi); đứa thứ 2 là Phạm Đức Hiếu lớp 2 (7 tuổi). Hiện cả 2 học tại trường Tiểu học Tiên Châu. Hai cháu học giỏi, chăm ngoan, năm nào cũng được học sinh giỏi, xuất sắc, còn đứa em út Phạm Đức Hòa mới 4 tuổi đang học trường mẫu giáo ở thôn Thanh Khê.
Ở miền quê nghèo này, mùa vụ thất thường. Gia đình chỉ có 2 sào ruộng nên anh phải làm thuê vất vả bằng nhiều nghề để lo cho mấy đứa con ăn học. Rồi đột nhiên tai họa ập xuống gia đình của chị. Một hôm anh Hùng đi làm về thấy mệt, tức ngực, khó thở, ăn không được. Sau đó chị dẫn anh tới tận bệnh viện Trung ương Huế khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán và kết luận là anh bị ung thư tuyến giáp, do lao động nặng. Vì không chữa trị sớm nên bệnh của anh đã di căn sang phổi, thượng thận, hạch cổ, thoái hóa đốt sống.
Bệnh của anh càng ngày thêm trở nặng hơn, nên gia đình phải bán trâu, vay mượn khắp nơi. Bà con hàng xóm mỗi người cho một ít để anh chữa trị, nhưng cũng không qua khỏi. Anh đã mất hồi tháng 7 vừa qua.
Cái khổ của gia đình chị thêm chồng chất mỗi ngày. Hiện chị còn nợ tiền vay để chữa bệnh cho anh hơn 20 triệu đồng, đồ đạc có giá trị trong nhà cũng đã bán hết. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của thôn Thanh Khê. Ngôi nhà cấp 4 mới cất từ khi anh chị ở riêng vì tạm bợ, xung quanh che bằng ván không được tu bổ nên ọp ẹp, nắng thì đỡ chứ những mưa thì nước lại dột đầy nhà. Nhà nằm trên ngọn núi toàn đá nên đất không thể canh tác được, muốn chăn nuôi cũng không có đất.
Chị vừa kể, vừa khóc. Người chị gầy hẳn đi. Nghịch cảnh trái ngang nữa là chị cũng đang mang căn bệnh viêm cầu thận mãn tính trong người, nên hàng tháng phải điều trị và không thể lao động việc nặng nhọc mỗi ngày.
Nghe chị tâm sự mà tôi thấy nhói lòng. Chị đã suy sụp về tinh thần, trong người còn mang thêm căn bệnh mà vẫn gắng gượng vì tương lai phía trước của những đứa con. Chị nói mong sao được khỏi bệnh, có sức khỏe để đi kiếm tiền trả nợ và lo cho các con ăn học. Chị không muốn con mình thất học, và rồi sẽ khổ như chị.
Hiện một mình chị vẫn cố hết sức để các con được đến trường. Nghe mong ước của chị mà tôi cũng thấy rưng rưng, vì qua mấy lần dốc sức để chữa trị cho chồng thì kinh tế gia đình chị gặp nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa để lo cho 3 đứa con đi học.
Giờ đây, gánh nặng miếng cơm, manh áo đè cả lên đôi vai gầy yếu, bệnh tật của chị nên con đường đến trường của 3 đứa con quả thật chênh vênh và trắc trở. Tôi ra về mà miên man suy nghĩ, rồi xót thương cho gia cảnh của chị. Bất chợt tôi nghĩ tới 3 đứa con của chị còn quá nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi học mà sớm chịu mất mát quá lớn. Hy vọng rằng mỗi chúng ta trong xã hội hãy luôn mở rộng vòng tay và hành động để nâng bước cho những mảnh đời khó khăn thêm tươi sáng.
Lê Thạch Thi
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.