Trong buổi trao học bổng học sinh nghèo hiếu học tại hội trường Ủy Ban nhân dân thị trấn Dương Minh Châu, Tây Ninh, mọi người trong khán phòng đã lặng đi khi nghe lời bộc bạch nghẹn ngào của một cô bé học sinh nghèo vượt khó học giỏi: “Hiện tại, em chỉ có một mong ước duy nhất là sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có một việc làm vững chắc nuôi mẹ của em”. Đó chính là mơ ước của cô bé học trò nghèo Huỳnh Thị Hoa, học sinh lớp 8D trường THCS Thị Trấn Dương Minh Châu.
Em có dáng người dong dỏng cao và gương mặt hiền lành. Là con gái út trong gia đình có tất cả bốn anh em, hai trai và hai gái. Có lẽ là út nhỏ nhất trong nhà nên ở Hoa luôn có một sự rụt rè và khép nép. Và có lẽ gia đình của Hoa sẽ đông vui khi có đầy đủ anh chị em và bố mẹ.
Thế nhưng, số phận thật trớ trêu, năm Hoa được ba tuổi, gia đình đã trải qua một tai ương khủng khiếp, trong một lần mẹ Hoa và hai anh lớn đi mót củ mì trong Cù Lao (bên trong lòng hồ Dầu Tiếng), trên đường về, gặp phải sóng to gió lớn, chiếc ghe nhỏ chở ba mẹ con cùng mấy bao củ mì từ từ bị lật úp bởi những đợt sóng vỗ mạnh. Mãi lo cứu mẹ đưa vào bờ, lúc đó anh trai lớn của Hoa (17 tuổi) không cứu kịp em trai (13 tuổi) và thế là cả hai anh em đã chìm dần dưới nước trong tiếng kêu gào của người mẹ bất hạnh. Những chiếc ghe khác đến cứu nhưng không kịp, và đến nữa đêm, mới lặn vớt được xác của hai anh em.
Mất hai người con trai cùng một lúc, ba mẹ Hoa chỉ còn hai cô con gái, họ đã cố làm tất cả mọi việc, từ trồng rau, nuôi heo cho đến quăng các mẻ lưới trong bờ hồ, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Và đau lòng hơn, trong một lần quăng mẻ lưới đánh cá, ba Hoa phải đi nhập viện và mổ dạ dày ở bệnh viện thành phố, lao động chính trong nhà chất lên vai người mẹ, nợ ngân hàng vừa vay để đào ao nuôi cá thì phải chuyển qua trị bệnh cho người chồng. Mẹ Hoa chỉ mới bước vào tuổi 50 mà cứ ngỡ đã vào tuổi 60. Có lẽ, sự lam lũ, tảo tần cùng với nỗi đau mất hai người con cùng một lúc của người phụ nữ vùng quê đã hằn lên gương mặt và cả vóc dáng. Cô lại bị đau khớp, mỗi lần trời chuyển mùa, cô đau nhức khắp chân tay.
Sau khi điều trị bệnh, ba Hoa thấy sức khỏe đỡ hơn, còn chị gái đã được gả chồng ở huyện khác lúc Hoa học lớp 6. Duyên nợ với nghề cá vẫn gắn theo, làm cá ở bờ hồ thất bại, ba Hoa chuyển về đi ghe cào cùng người anh bà con ở Cà Mau, mỗi tháng lĩnh lương ông mang về phụ vợ nuôi con. Khi Hoa lên lớp 7, những tưởng hạnh phúc sẽ đến với gia đình họ khi chuyển đổi công việc, nhưng không ngờ, sau hai tháng miệt mài đi biển, ba Hoa đã vĩnh viễn không trở về khi ông bị rơi xuống biển vào lúc nữa đêm khi ngủ trên mui thuyền. Một lần nữa, tang tóc lại bao phủ lên gia đình, cả ba người đàn ông trong gia đình đều chết vì sóng nước. Mẹ Hoa như không còn giữ được bình tĩnh.
Hiểu được những vất vả lo toan của mẹ, Hoa chưa bao giờ đòi hỏi mẹ phải mua sắm cho riêng mình điều gì. Em chăm chỉ nhặt từng vỏ lon bia, giúp mẹ nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa. Không tiêu xài phung phí, không đòi hỏi mẹ phải mua cho thức ăn ngon, với em, bữa ăn sáng bên ngoài đó là một sự xa xỉ.
Từ ngày ba Hoa mất đi, sức khỏe mẹ Hoa càng giảm sút, những nếp nhăn lại hằn thêm nếp nhăn, mẹ em chuyển qua đi bán vé số kiếm thu nhập hàng ngày để nuôi con. Mỗi ngày mẹ phải bươn chải, bán đắt cũng được 80 vé, lãi 80.000 đồng, có lúc bán nhiều hơn được 100 vé, lãi 100.000 đồng. Với số tiền này, hai mẹ con sống dè sẻn, tiết kiệm phòng khi ốm đau. Hàng xóm thương tình, người cho Hoa bộ đồ, chiếc cặp, bộ sách mới để cùng lo cho cô bé.
Trong suốt 7 năm liền Hoa đạt danh hiệu học sinh giỏi dù chưa một lần em bước vào lớp học thêm. Em tự tìm tòi làm các bài tập, bài nào không hiểu, em hỏi bạn, hỏi thầy cô. Hiền lành, ít nói và gương mẫu, em được bạn bè tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Tuy không hoạt bát như các bạn khác, nhưng em luôn làm tròn nhiệm vụ của mình, được các bạn yêu mến.
Tôi hỏi em, “con mơ ước sau này làm nghề gì”?. Thoáng chút ưu tư, em buồn buồn nói với tôi: “Cô ơi, con không dám mơ ước nghề gì cả, con không biết mẹ có nuôi nổi con đến lớp 12 hay không, con chỉ cầu mong cho mẹ con có sức khỏe, con ráng học thật giỏi, để đến lúc con 18 tuổi, học xong lớp 12 sẽ đi làm trong xí nghiệp để nuôi lại mẹ con. Con không bao giờ dám nghĩ con sẽ được học đại học hay trường cao đẳng”.
Lắng nghe chia sẻ của em, tôi nghẹn ngào. Em có suy nghĩ như vậy cũng đúng thôi, vì hiện tại gia đình em thuộc diện cận nghèo của thị trấn. Một số nhỏ nợ ngân hàng ba em vay lúc còn sống để làm ăn chưa kịp trả, rồi đến thu nhập bán vé số ít ỏi từ mẹ, làm sao em dám nghĩ tương lai học hành cho mình…
Rõ ràng, cuộc sống trước mắt còn rất nhiều khó khăn, Hoa như cây chuối non trước nhà đang ngày một lớn. Em cần được tiếp thêm sức mạnh để có niềm tin và nghị lực phấn đấu vươn lên. Tôi thầm nghĩ một học sinh như thế xứng đáng với những hỗ trợ, giúp đỡ nhằm chấp cánh bay bổng, bay xa hơn. Xin chúc cô bé học trò nghèo mạnh dạn có những ước mơ!
Nguyễn Hồng Phượng