Trong cuộc sống, chúng ta thường bắt gặp những mảnh đời bất hạnh. Đó có thể là một bà cụ ngồi xe lăn, đôi chân teo tóp, mái tóc bạc phơ, vẫn phải đẩy từng vòng xe lăn đi bán vé số trên khắp các nẻo đường. Đó có thể là một chú bé đen trũi, trên tay xách một thùng đồ nghề đi đánh giày dạo. Từ thành phố đến nông thôn, đâu đó vẫn còn nhiều hoàn cảnh cần sẻ chia. Tôi từng được lắng nghe câu chuyện của em Huỳnh Thị Lệ Hằng, một cô bé mới có 10 tuổi đã đi bán vé số dạo tìm kế sinh nhai phụ giúp gia đình.
Gia đình Hằng có 4 người, gồm ba, mẹ, Hằng và em trai. Ngày trước, cả hai bên nội ngoại đều rất nghèo, họ là những người ở vùng ngoài vào Sài Gòn lập nghiệp. Không có nghề nghiệp chuyên môn, trình độ văn hóa chỉ vừa hết bậc tiểu học, họ chỉ có thể làm những công việc lao động tay chân, làm thuê sinh sống qua ngày. Ba mẹ Hằng lấy nhau, cùng lập nghiệp với hai bàn tay trắng, bán sức lao động đổi lấy từng miếng ăn.
Ba của Hằng hiện đã hơn 40 tuổi, vẫn đi làm thuê khi người ta gọi. Mẹ em thì bán bánh hàng rong ở khu chợ gần nhà. Cả ba mẹ Hằng đều đã quá tuổi tứ tuần, sức khỏe kém dần, năng suất lao động cũng không cao như ngày trước. Thu nhập của ba mẹ em rất bấp bênh, có ngày chưa kiếm nổi 100.000 đồng. Số tiền ấy trang trải cho những sinh hoạt của gia đình 4 người chẳng thấm vào đâu. Thật xót xa khi mà một ly nước ở Sài Gòn có thể lên đến vài trăm nghìn đồng, trong khi còn những con người phải lặn lội đánh đổi công sức cũng chưa đủ tiền ăn qua bữa.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hằng đã mạnh dạn xin mẹ cho đi bán vé số. Em phân chia công việc trong ngày, nửa buổi đi bán còn nửa buổi xin được tiếp tục việc học. Thế nhưng, bán vé số không ổn định, hôm bán nhanh hết, có hôm ế. Nhiều lần, em phải cố gắng đi bộ xa hơn để bán hết xấp vé lấy từ đại lý. Cứ như vậy, thời gian đi bán vé dạo làm ảnh hưởng tới chuyện đến trường. Một ngày, em phải tạm biệt mái trường, tạm biệt các bạn để lo kiếm sống.
May mắn thay, trước hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nhỏ, địa phương đã tạo điều kiện cho em theo học tại lớp tình thương buổi tối của phường. Hiện tại, m đang học lớp 8. Mỗi buổi tối, em chăm chỉ đạp xe đến lớp để học cùng các bạn. Ở đây, em vẫn được đảm bảo việc học con chữ, kiến thức những cũng hạn chế một số môn, do nguồn lực giáo viên thiếu thốn, không đầy đủ như hệ chính quy. Dù vậy, Hằng vẫn rất vui và quý mến thầy cô, anh chị đã giúp đỡ cho em được tiếp tục đi học. Nhờ học buổi tối, ban ngày Hằng cố gắng đi bán vé số rồi về nhà. Thời gian rảnh, em dành để ôn bài, sửa soạn bài tập để buổi tối đến lớp. Nhờ tính siêng năng và quyết tâm mà thành tích của Hằng luôn nổi bật và là học sinh giỏi của lớp.
Hiện tại, ba mẹ của Hằng vẫn đang đi làm kiếm tiền lo cho các con. Em trai Hằng năm nay cũng đang học cấp 1, chi phí chưa phát sinh nhiều nên ba mẹ vẫn cố gắng được. Nhưng tương lai của hai em là bài toán nan giải mà chẳng ai có thể bảo đảm được.
Hằng chia sẻ, em luôn ước mơ được đến lớp học tập hoàn tất bậc phổ thông, sau đó, học nghề và đi làm kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Ngoài ra, em cũng rất thích ca hát, nhưng ước mơ trở thanh ca sĩ có vẻ vẫn quá xa vời với hoàn cảnh hiện tại của gia đình. Qua những lời chia sẻ của Hằng, tôi cảm nhận được sự rụt rè nhưng vẫn đầy ý chí quyết tâm cố gắng của cô bé. Hy vọng, chương trình có thể xem xét và giúp đỡ Hằng bằng một phần học bổng ý nghĩa.
Thanh Hiền
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.