Một tai nạn giao thông bất ngờ đã cướp đi người bố thân yêu khi Nguyện vừa tròn 16 tháng tuổi. Chua xót hơn nữa khi gần một năm sau mẹ em cũng bỏ đi không một lời từ biệt. Cũng từ đó bà trở thành mẹ và ông trở thành bố của đứa cháu côi cút chưa tròn ba tuổi. Những người dân ở xóm biết chuyện vẫn bảo ông bà hai lần nuôi con.
Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình dưới những dãy núi đá cao sừng sững, bà nội của Nguyện nước mắt ngắn dài kể lúc còn nhỏ Nguyện hay ốm. Những lúc cháu phải đi viện, bà vừa ôm cháu vừa khóc. Nhưng tội nhất vẫn là Nguyện, vì từ lúc bé cho đến bây giờ không có ký ức gì về bố mẹ cả. Khi còn nhỏ, Nguyện cứ gọi bà là “mẹ bà” vì tưởng bà là mẹ ruột. Nói đến đây bà nghẹn lời và khóc nấc lên từng hồi.
Giờ đây, hai ông bà đã gần 60 già yếu, bệnh tật, nhưng ngày nào cũng phải dậy từ 2 giờ sáng để nấu xôi, giã bánh dày. Làm xong, bà lại mang ra chợ bán. Hôm nào may mắn bán hết hàng thì bà cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Ngày không bán hết thì bà đành mang về ăn thay cơm. 10 năm qua thúng bánh dày ấy đã giúp ông bà chắt chiu nuôi “đứa con thứ hai” của mình lớn lên từng ngày.
Trước đây, khi còn khỏe, ông bà vẫn cố được, nhưng giờ sức khỏe của hai người đã yếu. Bà huyết áp cao, ông hay bị sốt rét hành hạ nên có khi cả tuần bà mới đi chợ được 1, 2 hôm. Dù khó khăn thế nào ông thì bà cũng cố gắng cho Nguyện đi học, và mong cháu có được tương lai tốt hơn.
Điều duy nhất ông bà sợ là lỡ không may hai người có chuyện gì thì đứa cháu tội nghiệp lại thêm một lần nữa mồ côi, bơ vơ, không ai chăm sóc. Hiểu được hoàn cảnh, nên cậu bé Nguyện rất ngoan, vâng lời ông bà, chăm chỉ đến trường và cố gắng trong học tập. Năm nay Nguyện học lớp 7, trường THCS Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Nguyện hiểu chuyện và tình cảm, cậu bé rất thương ông bà. Với Nguyện, ông bà chính là bố mẹ, bởi trong ký ức non nớt của em không có kỷ niệm hay hình ảnh nào về hai người đã sinh ra em. Nguyện cũng chưa một lần được gọi tiếng bố ơi hay mẹ ơi. Trong tâm trí cậu bé 12 tuổi ấy chỉ luôn có một khao khát đó là tìm lại mẹ một lần trong đời.
Cô Vi Thị Thu Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Nguyện xúc động kể hôm rằm Trung thu, cả lớp tổ chức phá cỗ, cô bóc bánh ân cần đưa cho Nguyện ăn và dặn dò vài câu. Vậy mà cậu bé tủi thân khóc òa giữa lớp, bởi em bảo từ bé chẳng bao giờ quan tâm như thế, cảm giác cô như mẹ vậy. Nguyện nói xong mà cô và cả lớp đều nghẹn ngào. Cô cũng cho biết thêm cách đây khoảng hai tháng, Nguyện đã nhờ cô giáo dùng Facebook tìm mẹ. Cứ thấy hình ảnh nào quen quen và trùng với tên mẹ là em đều chào và chỉ nói một câu: "Con là Nguyện đây. Mẹ có phải là mẹ của con không?".
Nguyện không giận mẹ. Em luôn tự hứa với lòng sau này lớn lên sẽ chăm sóc ông bà và quyết tâm tìm mẹ. Em đưa cho tôi xem một tấm ảnh và nhờ đăng lên báo, rồi dặn dò: "Cô nhắn với mẹ là cháu không giận và rất nhớ mẹ. Nếu mẹ còn sống thì về với cháu. Cháu sẽ luôn đợi mẹ về".
Tôi đã khóc cùng cậu bé thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm và luôn đau đáu một nỗi niềm mong lại gặp mẹ. Tôi mong ở đâu đó trên cuộc đời này, người mẹ ấy nếu nghe thấy tiếng gọi hãy trả lời con, để cậu bé sẽ không phải chờ đợi mẹ thêm một giây nào nữa… Rất mong chương trình hỗ trợ cho Nguyện để ông bà vơi bớt nỗi nhọc nhằn ở tuổi xế chiều và để em có điều kiện tiếp tục đến trường.
Phạm Thị Dịu
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.