Trong hội nghị Hồi đồng Hiệu trưởng các trường Y Dược Việt Nam ngày 10/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, môn Văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Bà lấy ví dụ, nhiều chuyên viên ở Bộ khi làm công văn vẫn sai ngữ pháp, nếu đọc nguyên bản các văn bản ấy sẽ "rất dễ đứt mạch máu não".
Người đứng đầu Bộ Y tế cho rằng, khi Bộ GD&ĐT quy định Toán, Văn, Ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT, các trường Y Dược cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là: Hóa học với ngành Dược, Sinh học với ngành Y.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương, Phó Hiệu trưởng ĐH Y dược TP HCM cũng cho rằng, sinh viên ngành y cần nền tảng kiến thức cơ bản toàn diện ngoài các môn thi được xác định lâu nay.
Trao đổi với VnExpress, GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đồng tình với đề xuất đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y. Theo GS, môn Văn vừa giúp bác sĩ có năng lực ngôn ngữ, giao tiếp tốt với bệnh nhân, vừa bồi dưỡng tâm hồn, tính nhân văn khiến bác sĩ dễ cảm thông với bệnh nhân và tận tụy cứu chữa.
Trái với các ý kiến trên, một số bác sĩ cho rằng, Ngữ văn không có ý nghĩa với ngành Y. PGS Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phân tích: "Ngành Y mang tính chất thực hành, cần căn cơ, tư duy logic, khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật. Ngữ văn không có các giá trị đó".
Theo PGS Hùng, việc cảm thụ văn học và nhân sinh quan cũng khác nhau nên không thể nói môn Văn sẽ giúp bác sĩ nâng cao lòng nhân ái. Ngữ Văn có thể cần cho Y học xã hội, tâm lý, cộng đồng nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm 1/10 trong ngành.
Trưởng khoa Khám bệnh bệnh viện Việt Đức nhận định, việc thi cử và giáo dục Việt Nam chưa có tính hướng nghiệp. Học sinh chọn thi ĐH vào trường nào thì sẽ học các môn theo yêu cầu của trường đó. Khối ĐH Y, Dược của Việt Nam thi khối B với 3 môn: Toán, Hóa, Sinh, nhưng theo PGS Hùng, môn Sinh, Lý, Hóa học có ứng dụng nhiều trong ngành. "Sinh và Hóa rất quan trọng với ngành Y. Toán học giúp tư duy logic nhưng nếu giỏi Vật lý, chắc chắn môn Toán cũng sẽ giỏi", ông Hùng nói.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khánh (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cũng cho rằng, "dùng môn Văn để xét đầu vào cho ngành Y là vô lý". Để nâng cao kỹ năng giáo tiếp, đạo đức cho bác sĩ, các trường Y, Dược trong quá trình đào tạo nên chú trọng đưa nội dung này vào giảng dạy. Ở trường Y đã có môn Đạo đức Y học nhưng còn sáo rỗng, không có nhiều tình huống phân tích cho học viên cách ứng xử khi đi làm.
Thay vì dùng môn Văn để xét đầu vào ĐH cho ngành Y, theo bác sĩ Khánh, nên sử dụng môn Ngoại ngữ. "Ngoại ngữ rất quan trọng với ngành Y. Nó giúp các bác sĩ tiếp cận được nhiều kiến thức, khoa học kỹ thuật mới của thế giới. Nước ta đang mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi Y khoa với người nước ngoài, nhưng khả năng ngoại ngữ hạn chế của phần đông bác sĩ, nhất là ở bệnh viện tuyến địa phương khiến việc tiếp nhận kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp bị hạn chế", bác sĩ Khánh nói.
PGS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, dùng môn Văn xét tuyển ngành Y là việc dễ làm nhưng chưa thể áp dụng luôn, tránh thiệt thòi cho thí sinh vì các em đã học theo khối từ khi bước vào THPT.
Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y, Dược Việt Nam PGS Nguyễn Đức Hinh, nêu phương án tuyển sinh dự kiến của các trường trong khối là lấy kết quả 3 môn Toán, Hóa, Sinh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào trường. Ông Hinh mong muốn Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức các cụm thi riêng dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Y Hà Nội và các trường khối Y, Dược. Riêng ĐH Y Hà Nội, năm 2015 có thể sơ tuyển tất cả các đối tượng, trừ đối tượng tuyển thẳng. Tiêu chí sơ tuyển dựa vào tổng điểm trung bình của ba môn Toán, Hóa, Sinh của năm học kỳ THPT (sáu học kỳ đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Điểm đạt sơ tuyển phải mỗi môn phải trên 7 đối với hệ bác sĩ và trên 6 đối với hệ cử nhân. |
Quỳnh Trang