Trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng 16/9, ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định việc trường tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư không hề vi phạm quy định.
Về cơ sở pháp lý, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường dựa trên quyền tự chủ được Thủ tướng cho phép thí điểm theo Quyết định 158. Theo đó trường phân chức vụ bổ nhiệm ra làm hai loại, gồm chức vụ quản lý và chức vụ chuyên môn. Trong chức vụ chuyên môn gồm có tập sự giảng dạy, trợ giảng, giảng viên, giáo sư trợ lý, giáo sư và phó giáo sư.
Đối tượng được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ và có hợp đồng lao động với trường một năm trở lên. "Vì đối tượng này không phải công chức, thực hiện nghĩa vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ do trường trả bằng nguồn thu của trường (không phải bằng ngân sách Nhà nước), do vậy việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ là quyền của trường", đại diện Đại học Tôn Đức Thắng nêu ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục bổ nhiệm chức vụ này.
Về việc bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư, trường chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm giáo sư trợ lý, phó giáo sư, giáo sư, với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Nhóm 2 gồm 4 chức vụ giáo sư trợ lý nghiên cứu, phó giáo sư nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu và giáo sư nghiên cứu xuất sắc có nhiệm vụ chính là nghiên cứu.
Đại diện Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng việc trường bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư là không vi phạm quy định. Ảnh: Nguyễn Loan |
Theo lãnh đạo nhà trường, tiêu chuẩn của Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra đối với từng chức vụ chuyên môn còn cao hơn so với tiêu chuẩn công nhận của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Tiêu chí chung bao gồm nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, lãnh đạo chuyên môn, thu hút kinh phí nghiên cứu... Mỗi ứng viên sẽ có một nhóm chuyên gia gồm các giáo sư trong và ngoài nước thẩm định. Sau đó Hội đồng của trường sẽ xét duyệt và đưa ra quyết định bổ nhiệm. Hàng năm trường sẽ đánh giá lại, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì chức vụ này có thể bị bãi nhiệm.
"Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính là chức danh nghề nghiệp. Việc bổ nhiệm các chức danh này nếu không phải do Hiệp hội nghề nghiệp thực hiện thì phải do cơ quan chuyên môn của nhân sự thực hiện và tự chịu trách nhiệm", đại diện của trường nêu và cho rằng đến nay học vị tiến sĩ cũng đã giao cho các cơ sở giáo dục đào tạo cấp bằng thì tại sao việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy lại không muốn để cơ sở tự làm.
Theo ông Nguyễn An Ninh, quyết định bổ nhiệm chức vụ được ban hành từ tháng 7/2015, đến nay mới có một người được bổ nhiệm chức vụ giáo sư.
Trước đó, trao đổi với VnExpress về việc Đại học Tôn Đức Thắng quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định việc này không đúng quy định và cần phải dừng lại.
Theo ông Nhị, giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghiêm túc và vinh dự, không thể tùy tiện công nhận. Quyết định số 174 của Thủ tướng (sửa đổi năm 2013) quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nêu rõ, để được công nhận đạt tiêu chuẩn các chức danh đó, ứng viên phải đăng ký và phải gửi hồ sơ tới các cơ sở xét duyệt theo quy định; nếu được Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đồng ý thông qua, hồ sơ của ứng viên sẽ được chuyển tới Hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành xem xét.
Tại Hội đồng này, ứng viên sẽ trình bày báo cáo tổng quan kết quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời Hội đồng sẽ kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Cuối cùng, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ xem xét, đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm với từng hồ sơ ứng viên.
Nguyễn Loan