*Độc giả gửi câu hỏi tại đây*
Nhu cầu nhân lực trong nước ngày càng cao sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết các hiệp định thương mại FTA, TPP... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software, chất lượng nhân lực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Năm 2015, tập đoàn dự kiến tuyển mới 4.000 nhân viên ngành công nghệ thông tin, song sinh viên ra trường tại Việt Nam không đạt về số lượng cũng như chất lượng.
Nhân lực kém cũng là lý do khiến sinh viên ra trường phải chịu cảnh thất nghiệp. Theo số liệu quý I/2015 của Tổng cục Thống kê, cứ 4 người thất nghiệp thì có một trường hợp giữ bằng cao đẳng, đại học (chiếm 24,2%); cứ 100 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học... thì có nhiều hơn 4 trường hợp không có việc làm (chiếm 4,39%). Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào tháng 7/2014 cũng cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có trình độ đại học trở lên không có việc làm, gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học FPT cho rằng, thất nghiệp là vấn đề toàn cầu trong bối cảnh công nghệ thay đổi như hiện nay. Tại các nước phát triển, tỷ lệ thất nghiệp trong những năm qua cũng ở mức cao và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, với nền giáo dục đại học lạc hậu trong nước, vấn đề này càng trầm trọng hơn. Phần lớn các trường đại học tại Việt Nam vẫn duy trì lối dạy "thầy đọc trò chép", nặng nề lý thuyết. Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, số đông các nhà tuyển dụng đều đăng tin tìm ứng viên có kinh nghiệm làm việc thay vì chọn sinh viên mới ra trường.
Theo các chuyên gia, yếu kiến thức chuyên ngành và thiếu kỹ năng mềm không chỉ khiến sinh viên thất nghiệp, mà còn phải đối mặt với nguy cơ sa thải và nhận mức lương thấp khi có việc. Ngay từ trên ghế nhà trường, sinh viên cần tích cực học tập; thu thập kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thực tế tại doanh nghiệp; tránh ngộ nhận về bản thân. Ngoài ra, các đơn vị giáo dục cũng nên thiết kế chương trình giảng dạy gắn lý thuyết với thực hành, phát triển toàn diện năng lực của mỗi sinh viên.
Đổi mới đào tạo sau 7 năm thành lập, Đại học FPT là một trong những trường chú trọng đến năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo quốc tế, trường còn hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để rèn luyện kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cho sinh viên. Năm 2014, 98% sinh viên Đại học FPT có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp theo chuẩn QS Star; 15% sinh viên làm việc tại Mỹ, Nhật, Đức, Singapore… với mức lương khởi điểm cao và cơ hội thăng tiến rộng mở.
Để giúp sinh viên tiếp cận gần hơn với cánh cửa việc làm, các chuyên gia sẽ tư vấn cho độc giả VnExpress những kỹ năng học tập hiệu quả để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước. Buổi tư vấn diễn ra vào 14h ngày 14/4, với sự tham gia của ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software; Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học FPT và cựu sinh viên xuất sắc Nguyễn Hương Quỳnh.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh hiện là Hiệu trưởng Đại học FPT, một trong những hiệu trưởng trường đại học trẻ nhất Việt Nam. Ngoài tầm nhìn và tâm huyết thay đổi diện mạo nền giáo dục nước nhà, Tiến sĩ Minh còn có hơn 13 năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực giáo dục cao đẳng, đại học và hợp tác quốc tế.
Ông Hoàng Nam Tiến giữu chức Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software). Ông từng là học sinh chuyên Toán trường Amsterdam, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Thị Hương Quỳnh là cựu sinh viên xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, Đại học FPT, từng đạt danh hiệu như nữ sinh tiêu biểu, sinh viên xuất sắc nhất môn… Hương Quỳnh tốt nghiệp thủ khoa và được ghi tên vào bảng vàng ở Văn miếu Quốc Tử Giám và hiện là kiểm toán viên tại công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam.
An San