Tại văn bản gửi Chính phủ mới đây về việc cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt, áp dụng từ ngày 15/3.
Sau khi đưa tin về đề xuất này báo VnExpress.net đã nhận được hàng trăm ý kiến trái chiều của độc giả, trong đó có nhiều ý kiến ủng hộ
Độc giả có nickname Royal Phạm chia sẻ: “Tôi là tài xế xe hơi. Trong mấy ngày Tết tôi đã tránh rất nhiều tình huống các ma men chạy tốc độ cao ghim thẳng vào đầu xe tôi. Và cuối cùng là chiều mùng 3 xe tôi đậu trong bãi cỏ ven đường mà vẫn bị một ma men ủi vào vỡ đèn sau và xước hông. Cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ điều luật này”.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ. Giá trị cái xe không thể cao hơn tính mạng người đi đường (cũng như người lái). Tính mạng con người là quý nhất, mấy người hay nhậu nhẹt đừng nêu lý do phải uống vì công việc hay cái gì đó để bao biện. Đã nhậu thì không lái xe". Độc giả Nam chia sẻ.
Độc giả nickname Duc Thao Le bày tỏ: "Nồng độ cồn cao mà còn lái xe thì nên tịch thu luôn. Say mà chạy là không thương bản thân mình, không thương gia đình, người thân, không thương những người vô tội đang đi cùng trên đường. Tịch thu luôn phương tiện nếu phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông vừa là bảo vệ tính mạng họ, người khác, còn là biện pháp làm cho mọi người tự kiềm chế bản thân mình, điều phục thân mình".
Đồng tình với ý những kiến trên độc giả có nickname phuclinh nói tiếp: “Lẽ ra biện pháp trừng phạt mạnh như thế này phải được áp dụng sớm hơn nữa. Con người là quý nhất. Mất phương tiện còn có thể làm lại được, còn mất người là mất luôn. Nếu gia đình ai đó có người bị chết do tai nạn giao thông thì họ sẽ là người ủng hộ đầu tiên”.
Là một tài xế lái xe từng điều khiển xe máy sau khi uống rượu bia, độc giả có nickname Chip và Tom cũng ủng hộ đề xuất này vì cho rằng “đây là hành động nguy hiểm cho xã hội”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến phản đối đề xuất này
Độc giả Nguyễn Tiến Đạt nói: Tước giấy phép lái xe cũng là phạt nặng rồi. Trong khi hạ tầng giao thông của Việt Nam nói chung, vùng nông thôn, vùng cao, vùng hẻo lánh đi lại rất khó khăn. Người dân chắt chiu cả đời mới mua nổi chiếc xe, chỉ vì ly rượu thôi bị tịch thu cả một gia tài. Tôi nghĩ cách này quá nặng với người dân.
“Tịch thu thì không hợp lý vì đây là tài sản cá nhân không phải do phạm tội mà có chỉ là phạm luật giao thông mà thôi, chỉ nên tăng thời gian tạm giữ phương tiện và tiền phạt, quá hạn 10 ngày nếu không ai đến nhận thì lúc đó mới thanh lý để bổ sung công quỹ”. Độc giả có nickname Tôi Là Tôi nói tiếp.
Đồng tình với những ý kiến trên độc giả Bá Hùng tâm sự: “Đất nước còn nghèo, điều kiện xã hội chưa cân bằng, ý thức cuộc sống ở ta phải từ từ thay đổi, không thể so sánh nước có văn minh, văn hoá đi trước ta hàng chục năm, ở ta phương tiện là một gia tài, tịch thu là một thảm hoạ”.
Nhiều độc giả cũng thắc mắc trường hợp nếu là xe đi mượn, thuê… thì đề xuất này sẽ áp dụng như thế nào?
Độc giả Bảo Anh thắc mắc: “Xe không phải chính chủ mà chỉ là xe mượn hoặc phương tiện của cơ quan, công ty khi bị tịch thu người lái xe đó không có tiền đền thì chủ xe mất trắng xe à?”.
Độc giả Việt Tuấn hỏi tiếp: “Cho bạn mượn xe ôtô Lexus 4,5 tỉ đi đám cưới, có uống rượu bia rồi bị thu xe, hoặc chủ xe có 10 chiếc thuê tài xế chạy, 3 tài xế uống say rồi bị tịch thu phương tiện. Cả 2 trường hợp trên ai là người chịu, chủ xe không sai, người sử dụng không có tiền. Do vậy với đề xuất này tôi ủng hộ về mặt chủ trương, nhưng với trường hợp là mượn xe, chạy mướn... cần phải quy định cụ thể”.
>> Xem thêm: Ba ý tưởng giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
Vì sao nhiều người Việt ra nước ngoài lại tuân thủ luật giao thông? |
Chia sẻ bài viết của bạn về an toàn giao thông tại đây