Thế vận hội mùa hè tại Rio 2016 mới diễn ra vài ngày, nhưng thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử, khi xạ thủ - Đại tá Hoàng Xuân Vinh xuất sắc phá kỷ lục Olympic.
Theo dõi sự nghiệp thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có thể thấy anh từng giành được nhiều thành tích như xếp thứ 4 tại kỳ Olympic London 2012, vô địch giải châu Á...
Tuy là một vận động viên được đầu tư trọng điểm, nhưng Hoàng Xuân Vinh gặp không ít thất bại, thậm chí còn bị đánh giá là "tâm lý yếu"- những điều này ảnh hưởng nhiều đến quá trình luyện tập của anh.
Không chỉ vậy, nền thể thao Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nên các môn không mang tính giải trí cao như bắn súng luôn bị "bỏ quên", được đầu tư ít, đến nỗi các tuyển thủ bắn súng thường phải tập luyện trong trường bắn lạc hậu, và thiếu tiếng súng vì không có đạn
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi Hoàng Xuân Vinh xuất sắc đạt được 10,7 điểm tại lượt bắn cuối cùng. Anh lội ngược dòng vượt qua VĐV chủ nhà Felipe Almeida Wu giành huy chương vàng, đồng thời phá kỷ lục Olympic trong tiếng vỗ tay thán phục từ chính đối thủ của mình.
(Xem thêm: 'Lãnh đạo chiếm suất đi Olympic của HLV, bác sĩ')
Sau thời điểm đó và đến nay, cái tên Hoàng Xuân Vinh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, với muôn vàn mỹ từ tốt đẹp. Dù được tán dương nhiều, nhưng xạ thủ vẫn bản lĩnh, khiêm nhường đón nhận chiến thắng một cách điềm tĩnh. Anh luôn biết giữ đôi chân của mình trên mặt đất, mặc dù cuộc sống có đôi chút thay đổi, như tâm sự chân thật của anh với báo giới.
Cũng từ đây, giới chuyên gia đã có nhiều buổi phân tích, bàn luận về việc vì sao Xuân Vinh chiến thắng, và sắp tới bộ môn bắn súng sẽ có những thay đổi gì... trong khi đáng lẽ những điều này phải được phân tích, mổ xẻ sau những thất bại có phần cay đắng của anh trước đây.
Trong thể thao đỉnh cao, mỗi VĐV tập luyện và đi thi đấu, ngoài HLV trưởng, họ còn có một ê kíp chuyên gia hùng hậu như: chuyên gia thể lực, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, đội ngũ y tế... Nhưng đối với Việt Nam, nhiều môn cá nhân VĐV phải tự tập luyện, và khi thi đấu thì không có HLV hoặc HLV chỉ mang ý nghĩa tinh thần.
Điển hình như Nguyễn Tiến Minh môn cầu lông và Hoàng Xuân Vinh môn bắn súng, tất cả những gì họ phấn đấu và duy trì phong độ ở tầm thế giới là nhờ ý chí sắt đá, và niềm đam mê bất tận đối với môn thể thao mình theo đuổi.
(Xem thêm: 'HLV không được đi Olympic dù tự bỏ tiền' nóng trên Vitalk)
Vẫn biết rằng, không thể đòi hỏi mức đầu tư của chúng ta vào thể thao như các nước khác, khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phải khách quan nhìn nhận rằng, cách làm thể thao của chúng ta quá lạc hậu, khi luôn đặt nặng thành tích và không có tầm nhìn chiến lược, để rồi để phung phí biết bao nhiêu tài năng.
Có thể nói HCV của Hoàng Xuân Vinh là đặc biệt, vượt ra ngoài giá trị vật chất, mà giá trị thực tế mang lại là giúp cho các nhà thể thao Việt Nam có cách nhìn nhận nghiêm túc hơn, đầu tư bài bản và dài hạn hơn cho nền thể thao nước nhà.
Và trên hết giá trị đích thực về “phát súng cuối cùng” của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là truyền ngọn lửa tinh thần, ngọn lửa ý chí kiên cường của anh, của một nhà vô địch đến các vận động viên đàn em, và cho thế hệ trẻ Việt Nam niềm tin mãnh liệt về sự khổ luyện, và sự đam mê tột cùng cho những gì mình theo đuổi.
Cám ơn vì những gì anh dành tặng cho người dân Việt Nam.
>> Xem thêm: Hoàng Xuân Vinh đi xe buýt về làng Olympic sau khi giành HCV
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.