Đây là câu hỏi đang được bàn luận sôi nổi trong suốt thời gian gần đây. Một số người ủng hộ việc này và họ thường là doanh nhân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mục đích chính là tận dụng sức lao động của người Việt vì Tết là ngày nghỉ hưởng lương theo luật lao động Việt Nam. Riêng theo ý kiến phân tích của tôi thì như sau:
Thứ nhất: Tết ta là truyền thống lâu nay của người Việt, việc giữ gìn truyền thống là điều rất tốt. Đây cũng là dịp con cháu sum vầy bên gia đình sau một năm làm việc vất vả, còn Tết tây du nhập từ nước ngoài, nó không có ý nghĩa gì đối với người Việt. Tại sao phải đồng hóa giống người khác, mà không giữ riêng cho mình sự khác biệt?
Thứ hai: Tết ta giúp thu hút du lịch, dịch vụ và kích cầu kinh tế. Nếu chỉ ăn Tết tây thì chẳng có gì đặc biệt để những người nước ngoài đến tham quan Việt Nam. Tại cùng một thời điểm, người nước ngoài phải lựa chọn một là ở lại nước của họ để hưởng Tết, hoặc là đến Việt Nam du lịch. Thường thì họ sẽ ở lại quê hương mình để hưởng Tết vì nơi đó có gia đình.
Nhưng nếu giữ Tết ta, họ sẽ có thể chọn ở lại ăn Tết tây tại quê nhà và du lịch sang Việt Nam trong dịp Tết ta. Như vậy du khách sẽ tăng và khối các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... sẽ kiếm được khá nhiều thu nhập. Ngoài ra, đây cũng là dịp người Việt Nam sử dụng tiền nhiều nhất để mua sắm và ăn chơi.
Theo nghịch lý của tiết kiệm thì điều này sẽ giúp kích cầu nền kinh tế và tăng trưởng mà chính phủ không phải thực hiện chính sách tài khóa để kích cầu, vì vậy Tết không gây lãng phí. Thử nghĩ nếu một doanh nghiệp làm ra sản phẩm mà lượng tiêu thụ kém, họ sẽ phá sản nhanh chóng.
Thứ ba: Tết không làm kinh tế chậm phát triển. Một số người dẫn chứng Nhật Bản gộp Tết ta vào Tết tây làm kinh tế họ tăng trưởng mạnh. Đây là một sai lầm lớn. Hiện nay trên thế giới còn rất nhiều nước như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... vẫn ăn Tết Âm lịch, nhưng họ vẫn giàu mạnh, thậm chí Trung Quốc còn vượt qua cả Nhật Bản.
Xét về mức độ nghỉ lễ thì Việt Nam không bằng một góc nào của Thái Lan. Họ nghỉ lễ rất nhiều nhưng vẫn giàu và có ảnh hưởng lớn đến giao thương. Nhật Bản giàu mạnh không phải là vì lý do đó mà họ có tác phong công nghiệp tốt, chăm chỉ và năng suất lao động cực kỳ lớn.
Tôi từng làm việc cho công ty Nhật. Họ đi làm rất đúng giờ, tốc độ làm việc và độ chính xác rất cao chứ không như Việt Nam mình làm chậm rãi. Vì vậy, Tết ta không phải là nguyên nhân mà nên xem xét trên nhiều mặt, đặc biệt là việc tham nhũng gây thất thoát ở Việt Nam quá nhiều.
Thứ tư: Tết ta gây cản trở giao thương với các nước khác. Theo luật lao động Việt Nam, chủ doanh nghiệp vẫn có thể cho nhân viên mình làm việc trong ngày lễ, Tết với điều kiện phải trả lương gấp ba lần cho họ trong những ngày này.
Thứ năm: Tết ta gây ra các vấn đề về trật tự an toàn xã hội như rượu chè, tai nạn giao thông. Đây không phải là lỗi của Tết, mà là lỗi của văn hóa ăn Tết người Việt. Như tôi, trong dịp Tết cũng chưa bao giờ nhậu nhẹt để say xỉn gây tai nạn giao thông. Nếu gộp Tết ta và Tết tây thì Tết tây cũng sẽ biến thành nỗi ám ảnh tương tự của xã hội. Nên việc gộp vào không giải quyết được vấn đề.
Tóm lại, tôi ủng hộ giữ Tết ta như là nét đặc sắc văn hóa, đừng để văn hóa nước nhà mất đi mà du nhập vào những văn hóa ngoại lai khác. Nhà nước vẫn luôn có chính sách bảo tồn văn hóa như dân ca quan họ, hát tuồng, chèo... thì cũng nên giữ gìn điều này. Mất đi rồi sẽ không tìm lại được.
Bạn có đồng ý với quan điểm trên? Chia sẻ bằng comment dưới bài viết, hoặc gửi bài ý kiến tại đây.
>> Xem thêm: Cặp gà lạ trang trí Tết gây sửng sốt ở Quảng Ngãi
Video được xem nhiều: Hai cô gái đi xe Vespa ăn trộm hoa trang trí Tết
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.