Phương tiện truyền thông và ngay cả bạn bè của tôi ai cũng đều lên án mạnh mẽ hành vi ngược đãi trẻ em của hai bảo mẫu Phương và Ly.
Trường hợp hai bảo mẫu trên bị đưa ra xét xử về tội Hành hạ người khác quy định tại khoản 2, Điều 110 Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với khung hình phạt từ một đến ba năm tù. Nếu là luật sư bào chữa tôi sẽ bào chữa theo quan điểm khách quan và căn cứ pháp lý để hai bảo mẫu không có tội hoặc được giảm nhẹ hình phạt.
Quan điểm bào chữa cho hai bảo mẫu: Trước hết phải nhìn nhận hành vi đánh đập, tát, hù dọa những em bé của hai bảo mẫu Phương và Ly là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Chứng kiến những hành vi của hai bảo mẫu trên, ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy phẫn nộ và bất bình, lên án. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ nguyên nhân phạm tội, mục đích và hoàn cảnh chúng ta phải xem xét thực tế sự việc theo các khía cạnh.
Khách quan nhìn nhận: Việc trẻ biếng ăn là khách quan diễn ra ở tất cả các trẻ nhỏ, có nhiều nguyên nhân để trẻ từ chối và tìm mọi cách để không phải ăn, uống và chúng ta chắc ai cũng đã từng bị hoặc từng chứng kiến cha mẹ khi cho trẻ ăn, thường dỗ dành âu yếm, vỗ về trẻ với những lời nhẹ nhàng, tuy nhiên không phải lúc nào trẻ cũng ngoan ngoãn nghe theo.
Có thể chúng ta đã từng bị chính cha mẹ mình cầm roi, dọa nạt, hù ma, ngáo ộp thậm chí bị đánh bằng roi, phát vào mông bầm tím vì tội không chịu ăn. Các bậc cha mẹ phải cho con ăn bằng mọi giá và có phụ huynh đã phải đè con mình ra kệ cho con kêu khóc, dãy dụa. Vậy những hành động của cha mẹ đó khác với hành vi của bảo mẫu Phương và Ly ở điểm nào?
Khác biệt ấy, có chăng chỉ là ở lực tác động và vị trí tác động vào các bé mà thôi. Đến cha mẹ đẻ chúng ta khi cho ăn còn có hành động bạo lực để mong muốn con cái ăn uống. Vậy chúng ta nhìn nhận thế nào về hành vi của hai bảo mẫu trên?
Về nguyên nhân phạm tội: Bảo mẫu Phương mở nhà trẻ với mục đích có công việc, có thu nhập, nói đầy đủ là kinh doanh kiếm lợi nhuận, đã là kinh doanh kiếm lợi nhuận thì phải làm những việc nhãn tiền để khách hàng thấy hiệu quả, thu hút.
Nơi giữ trẻ thường có các sổ theo dõi các bé, trong đó hàng tuần thống kê bé tăng được bao nhiêu chiều cao, tăng cân nặng được bao nhiêu? Các cô ai cũng mong muốn trẻ tăng cân, tăng chiều cao để lấy lòng cha mẹ các bé, để các bậc phụ huynh thấy con cái mình phát triển thể trạng tốt và yên tâm hơn.
Phụ huynh thường chỉ quan tâm xem con mình đi học có phát triển không? Nếu bé biết hát, biết đọc, biết làm phép tính, biết chào hỏi và tăng cân tăng cùng chiều cao nghĩa là nhà trẻ đó dạy tốt. Và để đạt được những mục đích ấy, các cô bảo mẫu không còn cách nào khác là ép các bé ăn thật nhiều.
Đây là nguyên nhân để các bảo mẫu có những hành vi hành hạ trẻ em. Tuy rằng những hành động của các bảo mẫu không một trường nào đào tạo, hướng dẫn mà nó xuất phát từ bản tính của hai bảo mẫu khi muốn gây sức ép, muốn trẻ nghe theo mình.
Ngoài ra, nếu ai đã từng cho trẻ ăn mà gặp bé không chịu thường nghe lời sẽ gây bực tức, ức chế. Đối với một bé mà còn xảy ra tình trạng như vậy thì ở trong trường hợp các cô giáo, các bảo mẫu phải theo dõi, chăm đút, dỗ dành cho chục bé trong vòng chỉ từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ thì sẽ bị gây áp lực và bực tức như thế nào?
Về mục đích phạm tội: Các bảo mẫu phạm tội không hề có mục đích tư lợi cá nhân hay thù oán. Thường khi phạm tội thì người phạm tội sẽ vì một mục đích, động cơ nào đó mới phạm tội. Ở đây các bảo mẫu không ghét bỏ, thù oán với các bé hay cha mẹ các bé bị hành hạ, ngược lại họ còn luôn tìm cách lấy lòng cha mẹ để giữ mối công việc.
Mục đích của các bảo mẫu ở đây là có ý tốt cho cả trẻ, cho cha mẹ và cho nơi giữ trẻ, có hay chăng là sự nhận thức chưa đúng đắn về các hành vi dạy dỗ của các bảo mẫu mà thôi.
Những ngày này trên các phương tiện truyền thông đều lên án gay gắt hành vi của hai cô bảo mẫu Phương và Ly, khi lên án hành vi bạo lực này mọi người đều có ý tốt, đều đứng trên lập trường nhân văn, đạo đức con người để lên án. Có thể nói mọi sự lên án kết tội đều đúng nhưng nhìn chung còn phiến diện, chưa sát với thực tế và bản chất của sự việc.
Ở đây, để lấy được sự an ủi, chia sẻ và giãi bày của người ngoài cuộc thì có thể khẳng định chẳng ai dám đứng lên bênh vực cho hai bảo mẫu, có chăng chỉ là sự thông cảm của những đồng nghiệp, những người đang làm nghề giữ trẻ. Tôi dám chắc rằng mọi cô giáo mầm non, bảo mẫu và những người giữ trẻ ở nhà và các bậc cha mẹ đã từng, hoặc sẽ có hành vi bạo lực khi chăm sóc, dạy dỗ con trẻ.
Trong sự việc này, chúng ta ai đã từng nghĩ đến khía cạnh tốt đẹp cho hai bảo mẫu chưa? Đã ai từng thấy bức ảnh hai cô bảo mẫu chụp hình Noel với các bé trong trong phục mũ áo mùa giáng sinh với nụ cười và niềm hân hoan? Để có bức hình đó là sự chuẩn bị chu đáo, tận tâm của các cô, liệu có ai biết được sau những hình ảnh bạo lực đó là hình ảnh cô trò vui đùa, học tập, chăm lo giấc ngủ cho các bé.
Nếu là luật sư bào chữa cho hai bảo mẫu thì trên đây là quan điểm bào chữa của tôi trên khía cạnh phân tích và chia sẻ, ngoài những quan điểm trên thì chắc chắn và bắt buộc tôi phải đưa ra các quan điểm pháp lý, căn cứ điều luật (về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ Điều 46, áp dụng Điều 47 bộ luật hình sự) để bào chữa cho hai bảo mẫu có thể được xử không có tội, hoặc miễn hình phạt, hoặc tù treo.
>> Xem thêm: Phẫn nộ: video cô giáo dạy trẻ bằng dép, thìa inox / Video cô bảo mẫu trẻ tuổi đày đọa các bé mầm non
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.