Về mặt kỹ thuật, việc đưa game di động Flappy Bird trở lại mạng là không khó. Hơn nữa, cho dù đã bị tác giả Nguyễn Hà Đông gỡ xuống chính thức khỏi hai dịch vụ ứng dụng lớn nhất thế giới App Store (cho thiết bị iOS) và Google Play (cho thiết bị Android) ngày 10/2, thì thực tế game này vẫn còn la liệt trên Internet dưới hình thức các bản back-up của các fan hâm mộ, cũng như đang chạy trên hàng chục triệu thiết bị di động đã được cài đặt trước đó.
Được đưa lên App Store từ tháng 5/2013 và trở nên “hiện tượng hot” từ tháng 11/2013, tới khi bị “hạ cánh”, Flapy Bird đã được hơn 50 triệu lượt máy iOS và hơn 10 triệu lượt thiết bị Android tải về (theo số đếm ghi trên trang ứng dụng). Đó là những con số mà hầu hết những nhà phát triển phần mềm ứng dụng di động chỉ biết nằm mơ.
Với số lượng người chơi khủng khiếp như vậy, chẳng trách chú chim Flappy Bird đã trở thành một “nhân vật của công chúng”, mà thuộc dạng “VIP toàn cầu” mới ghê gớm chứ. Điều này giải thích vì sao trong mấy ngày sau khi game này được gỡ xuống, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả báo chí chính thống lẫn các trang mạng xã hội, tràn ngập những lời tiếc nuối và thiết tha mong sớm tái ngộ cùng Flappy Bird. Thiên hạ nước ngoài mà còn sôi sùng sục như vậy huống chi những bạn đồng hương với tác giả.
Người ta có nhiều cách để suy diễn về “hiện tượng” Hà Đông quyết định gỡ Flappy Bird xuống, cho dù nó đang là “con chim đẻ trứng vàng” mà có nhiều nguồn nói rằng mỗi ngày đem lại cho tác giả sở hữu tới 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng Việt Nam). Với mức lương tối thiểu ở Việt Nam ở vùng 1 (nơi cao nhất) là 2,7 triệu đồng/tháng, tác giả game này kiếm một ngày bằng người ta làm 370 tháng (hơn 30 năm). Nổi cộm nhất vẫn là những suy diễn có liên quan tới bản quyền trí tuệ. Nếu như thật sự có chuyện này thì Đông lo sợ là phải vì đây là một trong những loại cuộc chiến phức tạp nhất, đặc biệt là khi có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, Đông đơn thân thế cô chỉ có một mình và chẳng hề có kinh nghiệm gì về chuyện này.
Thực hư chuyện bản quyền ở game Flappy Bird không thuộc nội dung của bài viết này, nên tôi chỉ chao cánh lạng qua một xíu. Trong cuộc trả lời phóng viên báo điện tử VnExpress, Hà Đông cho biết anh đã nhận được nhiều e-mail từ những nhà phát triển nước ngoài cáo buộc anh sao chép nhiều yếu tố từ các ứng dụng của họ. Đông phân bua rằng anh không hề biết gì về những ứng dụng đó trước khi họ liên lạc với anh.
Trước đó, trong một cuộc trả lời trang mạng công nghệ Mỹ The Verge sau khi “bỗng dưng nổi tiếng”, Hà Đông nói rằng cơ chế game này được lấy cảm hứng từ game Cheep Cheep trong Super Mario Bros. của hãng Nintendo mà anh chơi khi còn nhỏ. Trang mạng công nghệ TechCrunch (1/2) cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn qua e-mail, Hà Đông tiết lộ mình chỉ mất 2-3 ngày để hoàn thành game Flappy Bird và đã sử dụng lại đồ họa từ những game khác (he reused artwork from other titles). Nhiều người chăm chăm vào cái hình ống nước trong game Flappy Bird do nó giống hệt cái ống nước lừng danh trong loạt game Super Mario Bros. của hãng game Nhật Bản Nintendo.
Trang mạng Destructoid.com ngày 5/2 cho biết, Flappy Bird là một bản clone của game Piou Piou vs. Cactus được phát hành năm 2011 cho cả hai hệ iOS và Android, cũng với chú chim na ná và cơ chế chơi hao hao, nhưng game kia dùng những thân cây xương rồng xanh thay cho ống nước xanh. Ngoài ra, cũng cần phải nói tới chiều ngược lại: Hà Đông có thể kiện những ai đã khai thác Flappy Bird để kiếm lợi dưới mọi hình thức ăn theo.
Nhưng cái nguy cơ mà người ta lo giùm cho Hà Đông từ Nintendo đã được gỡ bỏ khi nhật báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) sáng 10/2 cho biết đã nhận được một e-mail của Yasuhiro Minagawa, người phát ngôn của hãng game Nintendo, một lần nữa khẳng định như những tuyên bố trước đó của Nintendo là hãng không hề than phiền điều gì về những sự giống nhau (similarity) của Flappy Bird so với game Super Mario Bros. gốc của Nintendo. “Trong khi chúng tôi thường không có ý kiến về những tin đồn và những nghi vấn, chúng tôi đã bác bỏ nghi vấn này” – ông Minagawa viết.
Vậy thì Hà Đông gỡ Flappy Bird vì cái gì? Tôi nghiêng với phía nhiều người cho rằng anh đã không còn chịu nổi trước áp lực của công luận, kể cả “vô nước tăng lực” hay “ném đá”. Tạp chí Mỹ Forbes (11/2) cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dài 45 phút tại Hà Nội dành cho báo này, Hà Đông tỏ vẻ rất căng thẳng.
Một lần nữa anh thú nhận là chính sự nổi tiếng bất ngờ rồi được quan tâm quá đáng của công chúng đã làm xáo tung cuộc sống của anh, thậm chí có nguy cơ hủy hoại cuộc đời của anh – một người vốn chỉ thích lặng lẽ làm việc một mình cho những đam mê cháy bỏng của mình. Trên tài khoản Twitter của mình, Hà Đông đã năn nỉ mọi người: “Hãy cho tôi sự bình an” để anh có thể tiếp tục niềm đam mê của một nhà phát triển phần mềm ứng dụng.
Trước đây, tôi từng viết: Ở một góc độ nào đó, Hà Đông còn là một nạn nhân của bão tố truyền thông. Anh trở thành đối tượng để các cơ quan thông tin đại chúng làm tin và cạnh tranh nhau làm tin. Điều nghiệt ngã là anh chỉ có một mình và không có kinh nghiệm trong trận cuồng phong này. Mượn tựa của loạt phim truyền hình Ý nổi tiếng “Một mình chống mafia”, tôi nói đùa rằng Hà Đông đang phải “một mình chống… media”!
Thôi thì, cho dù nếu vì sợ rắc rối chuyện bản quyền hay do là không còn đủ sức chịu đựng trước áp lực từ công chúng nữa, chuyện Hà Đông quyết định hạ Flappy Bird xuống theo tôi không chỉ là hành động thông minh, mà còn đầy dũng cảm và thức thời. Anh đã chấp nhận bước ra khỏi vầng hào quang lần này và một cơ hội trở thành “triệu phú USD”.
Thế nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Một lần nữa Hà Đông đã làm mọi người sửng sốt khi anh tiết lộ với báo Forbes nguyên nhân chính dẫn tới quyết định hạ Flappy Bird xuống, và anh nhấn mạnh đây là một sự “khai tử vĩnh viễn” chú chim này. Hà Đông nói rằng: “Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi bạn thư giãn. Nhưng đã xảy ra việc nó trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ nó đã trở nên một vấn đề. Để giải quyết vấn đề đó, cách tốt nhất là hạ Flappy Bird xuống. Nó ra đi vĩnh viễn”. Như vậy, theo lời tác giả, anh đã ngừng game Flappy Bird chủ yếu do “nó có thể gây tổn hại cho cộng đồng”. Thậm chí, Hà Đông còn nhấn mạnh là anh cũng sẽ làm tương tự nếu như phát hiện các game khác của mình bị coi là có hại.
Các bạn bè gần gũi hay những người thân của Hà Đông chắc chắn hiểu rõ bản chất con người của anh. Tôi chưa một lần tiếp xúc với Hà Đông nên chỉ biết tin vào những gì anh nói. Và như vậy, tôi càng thêm cảm phục anh hơn, bởi chàng trai này không chỉ có tài mà còn có tâm – hai yếu tố cơ bản ắt có và đủ để trở thành một người có ích cho xã hội. Nó càng quý hơn trong cái thời mà nhiều giá trị bị đảo lộn, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều, khi không ít người trẻ chỉ biết sống vì bản thân mình, không ngần ngại làm bất cứ gì miễn thu được lợi ích cho mình.
Chàng kỹ sư tin học 29 tuổi này rõ ràng là một tài năng. Có những nguồn tin nói rằng trước đây anh từng giành được một số giải thưởng về phát triển ứng dụng. Sự kiện Flappy Bird có phần không nhỏ là do gặp may mắn, có “quới nhân” giúp đỡ, nhưng thật sự chứng minh năng lực của anh, cả về cách suy nghĩ lẫn kỹ năng chuyên môn. Ngoài game Flappy Bird đứng số 1, Hà Đông còn 2 game tương tự từng đứng trong Top 10 của bảng free game apps: Super Ball Juggling (số 2) và Shuriken Block (số 6).
Vì thế, câu chuyện khả thi và thiết thực nhất bây giờ là làm sao để tiếp sức cho Hà Đông, một “nhân tài hết còn nằm trong lá ủ” phát huy tối đa khả năng của mình đem lại lợi ích cho xã hội và cho bản thân anh. Tôi ước gì có một tổ chức hay doanh nghiệp nào cùng đồng hành với anh. Với một người như Hà Đông, chuyện anh chọn cách mình ên một mình là một thất sách, chỉ có thể thỏa lòng đam mê của anh mà thôi. Muốn ra biển lớn, người ta không thể đi bằng con thuyền độc mộc. Bài học từ Flappy Bird quá đủ để anh trải nghiệm. Và qua Flappy Bird cũng như những game anh đã công bố, tôi nghĩ rằng Hà Đông đã biết được lối đi của mình.
Vậy thì, tôi sẽ không làm cho Hà Đông phải chịu thêm áp lực vì khổ tâm do tôi cứ đòi anh cho hồi sinh chú chim Flappy Bird. Chú chim ảo “khó chịu đáng yêu” hãy ngủ ngoan nhé để cho cậu chủ của chú cho thiên hạ năm châu biết thế nào là “trí tuệ Việt Nam”.
Phạm Hồng Phước