- Bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non ở Sài Gòn
- Giải mã hành vi bạo hành trẻ
Bài viết của ông Trịnh Viết Then, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học, giảng viên bộ môn Tâm lý học, ĐH Văn Hiến đề xuất những giải pháp kiểm soát tình trạng bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non ngoài công lập đang gây bức xúc dư luận.
Chiều 17/12 công an quận Thủ Đức, TP HCM đã bắt tạm giam hai cô giáo đã có hành vi hành hạ trẻ là Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, quản lý trường mầm non tư thục Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê Kiên Giang). Giải thích cho hành vi của mình, hai cô cho biết không biết vì sao mình có hành động như vậy, họ chỉ muốn các bé ngoan ngoãn, ăn nhiều.
Hành vi bạo hành ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thể chất và tâm lý của trẻ, gây bức xúc cho toàn xã hội. Xem xong đoạn clip hành hạ trẻ trên, nhiều người cảm thấy đau xót, phẫn nộ. Nó phản ánh tình trạng sự lơ là về quản lý và chất lượng của công tác nuôi dạy trẻ trong giai đoạn hiện nay. Qua đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội cần phải quan tâm và đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác nuôi dạy trẻ - những người chủ tương lai của đất nước.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, hành vi bạo hành trẻ có thể xảy ra bất cứ với ai làm công tác nuôi dạy trẻ, từ gia đình, các nhóm nhà trẻ, thậm chí tại các trường mầm non có quy mô chặt chẽ về mặt quản lý và đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. (Xem thêm bài Giải mã hành vi bạo hành trẻ). Như vậy, khó có thể loại bỏ triệt để hành vi bạo hành, song những gì chúng ta cố gắng chỉ là làm sao kiểm soát và giảm bớt, từ đó mới mong nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Riêng tại TP HCM, theo báo cáo tổng kết của ngành giáo dục năm 2010-2011, có 707 trường mầm non (trong đó 301 cơ sở ngoài công lập, chiếm 42,57%). Tổng số trẻ đến trường hơn 284 nghìn, trong đó hơn 126 nghìn em phải học ở các cơ sở ngoài công lập (chiếm 44,44%).
Đến năm 2012 – 2013, có 827 trường mầm non, trong đó 383 trường ngoài công lập (chiếm 47,88%.). Tổng số trẻ đến trường khoảng 320 nghìn, riêng khối trường ngoài công lập có hơn 137 nghìn em (chiếm 42,89%). Đây là những con số được thống kê, còn rất nhiều nhóm trẻ, nhà trẻ tự phát chưa được thống kê đầy đủ.
Thực tế "bức tranh cung - cầu" trên cho thấy, số lượng trẻ đến tuổi mẫu giáo ngày càng gia tăng, kéo theo yêu cầu gia tăng tương ứng về mặt cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên một mình ngành mầm non công không thể làm tốt nhiệm vụ này, buộc họ phải huy động công tác xã hội hóa giáo dục.
Từ đó nảy sinh nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, nhà trẻ ngoài công lập và phát triển một cách mạnh mẽ, ồ ạt, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát về cơ sở vật chất và nhận lực cũng như chất lượng trong các cơ sở nuôi dạy trẻ. Do đó mới để xảy ra hàng loạt vụ hành hạ trẻ như trong thời gian qua.
Theo ghi nhận, đa phần những vụ bạo hành trẻ xảy ra tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập. Khi vụ việc bị phát hiện, phanh phui thì chỉ thấy giáo viên, nhân viên ở đó chịu trách nhiệm về hậu quả, hoặc cùng lắm là buộc ngưng hoạt động của các nhóm trẻ, nhà trẻ. Chưa thấy một cơ quan, tổ chức quản lý nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin khuyến nghị một số biện pháp nhằm kiểm soát hành vi bạo hành trẻ tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập như sau:
1. Phân cấp quản lý các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập. Quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, cấp phép hoạt động đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ. Những đơn vị không đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực sẽ không được cấp phép hoặc buộc ngưng hoạt động.
2. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở ngoài công lập.
3. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng tại các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non. Buộc ngưng hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện tiêu chuẩn hoặc vi phạm điều lệ, quy chế trường mầm non.
4. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra những chế tài đủ mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa những hành vi hành hạ, bạo hành trẻ theo cấp, từ quản lý đến giáo viên, nhân viên khi xảy ra bạo hành trẻ.
5. Khuyến khích sự giám sát của quần chúng nhân dân tại địa bàn dân cư đối với hoạt động của nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập.
6. Giáo viên, nhân viên, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và kiểm soát hành động của mình đối với trẻ, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tâm lý. Các nhà quản lý tại các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập cần quản lý chặt chẽ, giám sát hoạt động của giáo viên và nhân viên, phải đặt chất lượng nuôi dạy trẻ lên hàng đầu. Đây cũng chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của cơ sở giáo dục.
7. Các bậc phụ huynh cũng cần có ý thức cảnh giác khi gửi con vào các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập, thường xuyên theo dõi, kiểm tra thân thể và tâm lý của trẻ. Nếu thấy các em có những biểu hiện, phản ứng bất thường, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời xử lý, tránh để xảy ra những hành vi bạo hành đáng tiếc xảy ra với trẻ trong một thời gian dài mà không biết. Tình trạng này sẽ để lại hậu quả không nhỏ cả về mặt thể chất và tâm lý trong tiến trình phát triển của trẻ.
8. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp hoạt động của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, giúp họ tự ý thức hơn về những hành vi, hành động của mình đối với trẻ. Ví dụ như yêu cầu các cơ sở nuôi dạy trẻ phải gắn camera quan sát. Việc này còn giúp ích cho các bậc phụ huynh những nhà nghiên cứu dễ dàng quan sát, theo dõi tiên trình phát trình của trẻ, tránh gây phiền toái cho chính các cơ sở nuôi dạy trẻ khi có những tình huống bất thường, nguy hiểm xảy ra với trẻ.
9. Cần có sự phối hợp và giúp đỡ của các cơ quan chức năng, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các nhóm công tác, trợ giúp xã hội trong việc tổ chức, quản lý và hoạt động của các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường mầm non ngoài công lập nói chung và kiểm soát hành vi bạo hành trẻ nói riêng.
Trịnh Viết Then