Mỗi năm vào dịp khai giảng năm học mới, giáo sư Văn Như Cương đều gửi gắm vài lời đến các thế hệ học trò. Tuy nhiên, trong năm học này, ông đã gửi một bức tâm thư đặc biệt dành riêng cho các bậc cha mẹ học sinh trường chuyên Lương Thế Vinh, nơi ông đang làm hiệu trưởng.
Trong thư có đoạn: "Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ. Họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vứt đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…"
Sau khi bức tâm thư được đăng, cộng đồng Facebook đã bày tỏ sự cảm phục đối với tâm huyết của người hiệu trưởng đáng kính. Từng câu từng chữ của giáo sư Văn Như Cương đều là lời khuyên bổ ích không chỉ với các bậc phụ huynh học sinh trường Lương Thế Vinh mà còn còn có ý nghĩa với tất cả các bậc phụ huynh trong cả nước.
Chủ nhân facebook Tam Pham Minh bình luận: “Đọc thư của thầy vào dịp khai giảng năm học mới, với những tâm sự rất đỗi gần gũi, rất bình dị, rất tâm lý về cách yêu thương, quan tâm và giáo dục con cái, em thấy thấm thía vô cùng. Những lời nói của thầy chắc chắn sẽ khiến rất nhiều bậc phụ huynh phải giật mình nhìn lại và các em học sinh cũng sẽ nhìn nhận thấu đáo hơn về nhiều mặt trong ứng xử, cuộc sống và học tập. Xin chân thành cám ơn thầy, người thầy đáng kính, người suốt một đời vì sự nghiệp giáo dục của của nước nhà. Mong lắm thay nền giáo dục Việt Nam có thêm nhiều nhiều người tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu như thầy”.
Bức thư là món quà quý nhân dịp khai giảng để các bậc phụ huynh nhìn nhận thấu đáo hơn trong việc giúp trẻ học văn hóa, ứng xử và đạo đức làm người.
“Xin cảm ơn Thầy, đây thực sự là những lời chỉ dạy vô cùng tâm huyết. Kính mong Thầy tiếp tục chỉ dạy để những người đã và đang là những phụ huynh như chúng cháu noi theo” – độc giả Hoang Tu Tran chia sẻ.
Một số đoạn tiếp theo của bức thư: "Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút".
"Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho"... Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công"...
Một bạn đọc tên Que Nguyen cho biết: “Thực sự em đang rất băn khoăn trong cách dạy con từ học văn hoá của nhà trường, việc ứng xử hàng ngày trong gia đình đến xã hội. Tự mình cũng đặt ra nhiều câu hỏi và cũng tự trả lời theo cách nghĩ của mình. Nhưng hôm nay may mắn được đọc những lời tâm huyết của thầy về giáo dục. Em rất cảm ơn thầy”.
“Cách đây 20 năm, được học thầy, mặc dù môn của thầy hơi khó, nhưng luôn mong đến giờ của thầy, để nghe thầy giảng bài, kể chuyện. Bây giờ được đọc những lời khuyên của thầy luôn đúng và rất thực tế. Chúng em đã không còn là học sinh mà đã trở thành cha mẹ, cảm ơn thầy rất nhiều.” – độc giả Nguyen Hoa Vinh bày tỏ.
Không riêng gì các bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ cũng rất xúc động trước sự quan tâm, yêu thương học trò của giáo sư. Facebooker Hoang Huy Thinh chia sẻ: “Dù đã không còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, nhưng bức thư của thầy đã làm em nhớ lại những năm tháng học trò khó quên. Thật xấu hổ khi chúng em đã từng làm buồn lòng cha mẹ vì sự lười biếng, đòi hỏi của mình. Sau này khi đã làm cha mẹ nuôi dạy con trẻ, em nhất định sẽ không quên những lời khuyên mà thầy đã gửi gắm”.
Một cựu học sinh trường Lương Thế Vinh, chủ nhân facebook Dvd Vĩ tâm sự: “Gửi thầy. Em không còn là học sinh Lương Thế Vinh nữa vì em đã tốt nghiệp 2 năm trước đây, nhưng mong thầy và nhà trường ngoài việc tạo môi trường học tập tốt cho học sinh, nên xây dựng nhiều hơn nữa các phong trào thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe và các phong trào nghệ thuật, nhất là các câu lạc bộ để các em học sinh có thể giao lưu và phát triển bản thân".
"Thực sự kiến thức nó dễ quên lắm, nhưng những kỷ niệm thời học sinh, những kỹ năng sống... thì khó quên vô cùng. Em chỉ hy vọng, học sinh Lương Thế Vinh - thế hệ sau thế hệ của em sẽ vừa được hưởng môi trường học tập tuyệt vời mà vẫn được phát triển những ưu điểm - sở thích khác của bản thân ngoài kiến thức sách vở”.
>> Nội dung bức tâm thư của PGS Văn Như Cương
Habi tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây