Thứ sáu, 1/11/2024
Thứ tư, 22/4/2015, 11:05 (GMT+7)

Những người Mỹ gắn liền với chiến tranh Việt Nam

Tên tuổi một số chính trị gia, tướng lĩnh và nghệ sĩ Mỹ đã gắn liền với Chiến tranh Việt Nam, một vài người sau này thăm lại Việt Nam và vẫn lưu giữ ký ức sâu đậm về cuộc chiến.

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson là người quyết định tăng cường sự can thiệp của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Quốc hội Mỹ năm 1964 thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Bộ, cho phép Johnson sử dụng vũ lực ở bất kỳ mức độ nào tại Đông Nam Á mà không phải yêu cầu tuyên chiến chính thức. Nhân viên quân sự Mỹ tại Việt Nam tăng vọt, các chiến dịch ném bom được duy trì liên tục làm dấy lên làn sóng phản đối lớn, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên Mỹ và quốc tế. Trong ảnh, Johnson bắt tay lính Mỹ tại miền nam Việt Nam năm 1966.

Johnson ngày 22/1/1973 đột tử do đau tim. Theo PBS, trước khi qua đời, ông được Tổng thống kế nhiệm Richard Nixon thông báo rằng Việt Nam đang đến gần với hòa bình. Ảnh: NARA

Richard Nixon, tổng thống Mỹ trong giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam trở nên ác liệt với các chiến dịch trong năm 1972. Đầu quãng thời gian 1969-74, khi ông lên nhậm chức, có khoảng 300 lính Mỹ tử chiến mỗi tuần tại Việt Nam.

Tháng 3/1969, Nixon phê chuẩn chiến dịch ném bom bí mật vị trí vào lực lượng Bắc Việt và Campuchia, còn gọi là Chiến dịch Thực đơn. Sau nhiều năm giao chiến, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết vào đầu năm 1973, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam.

Năm 1972-1974, chính quyền Nixon lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là đảng Dân chủ, gây ra vụ bê bối lớn trên chính trường Mỹ, còn gọi là Watergate. Nixon mất đi phần lớn ủng hộ chính trị và từ chức tháng 8/1974.

Khi về hưu, ông viết sách và nhiều lần xuất ngoại để khôi phục hình ảnh trước công chúng. Trong ảnh, Nixon nói về chiến tranh Việt Nam năm 1972. Ảnh: The Guardian

Tướng William Childs Westmoreland giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) năm 1964-1968, khi chiến tranh leo thang.

Westmoreland đưa ra chiến thuật "Search and Destroy" (Tìm và diệt), trong đó có việc thực hiện các cuộc hành quân vào căn cứ đối phương, vấp phải sự phản đối của nhiều tướng lĩnh khác và được đánh giá là không hiệu quả. Trong ảnh, Westmoreland tại Việt Nam năm 1967.

Năm 1968, Westmoreland trở về Mỹ và làm Tham mưu trưởng Lục quân. Ông bắt đầu tham gia chính trường năm 1972 và được đảng Cộng hòa đưa ra ứng cử Thống đốc bang Nam Carolina năm 1974 nhưng thất bại.

Westmoreland năm 1976 xuất bản hồi ký có tên "A Soldier Reports" (Tường trình của một quân nhân) nói về cuộc đời binh nghiệp, tập trung vào thời gian làm chỉ huy ở Việt Nam. Cuốn sách gây ra nhiều tranh cãi. Westmoreland qua đời năm 2005. Ảnh: militaryhistory

Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ1961-1963 và 1963-1968, được BBC mô tả là "kiến trúc sư trưởng của chiến tranh Việt Nam". Ông này chỉ đạo việc xây dựng hàng rào điện tử, gồm 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản, thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không, được bố trí liên hoàn dọc theo khu phi quân sự ở Vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh. Mục đích của hàng rào này là nhằm phát hiện thâm nhập, ngăn chặn quân đội Nhân dân Việt Nam đưa quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Ảnh trên chụp McNamara trong một cuộc họp báo về Việt Nam tại Lầu Năm Góc năm 1965. Ảnh: AP

McNamara xuất bản hai cuốn sách "In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam" (Hồi tưởng: Tấn bi kịch và bài học từ Việt Nam) năm 1995 và "Argument without end: in search of answers to the Vietnam tragedy" (Tranh luận không có hồi kết: tìm kiếm câu trả lời cho bi kịch Việt Nam) năm 1999. Trong những cuốn sách này, McNamara viết rằng ngay vào thời điểm diễn ra cuộc chiến, ông đã dần hoài nghi về khả năng chiến thắng của Mỹ bằng cách triển khai thêm quân tới miền Nam Việt Nam và tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam. Ông cũng cho biết rằng ông đã đến Việt Nam nhiều lần để trực tiếp nghiên cứu tình hình và ngày càng trở nên miễn cưỡng trong việc chấp thuận gia tăng lực lượng tại Việt Nam theo đề xuất của các chỉ huy quân sự. Ảnh: Amazon

Thomas Polgar, chỉ huy Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cuối cùng còn ở Sài Gòn trong những ngày cuối của Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Polgar đã chỉ huy việc đưa công dân Mỹ và thân nhân quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa lên máy bay để đến Mỹ.

Chỉ ít phút trước khi Polgar hủy chiếc máy điện tín mà văn phòng CIA sử dụng để liên lạc với trung tâm, trước khi lên trực thăng rời Sài Gòn, Polgar dừng lại một chút để làm nhiệm vụ cuối, đánh bức điện với nội dung: "Đây là thông điệp cuối cùng từ văn phòng Sài Gòn".

Polgar sau này thừa nhận việc làm điệp viên cho CIA để giúp Mỹ chống phá, xâm lược các nước khác, trong đó có Việt Nam, là tội ác. "Khi bạn tham gia hoạt động tình báo, thì cũng đồng nghĩa bạn tham gia vào hoạt động bất hợp pháp. Bạn bị gắn chặt vào một âm mưu tội ác", Polgar trả lời phỏng vấn của New York Times năm 1995. Ảnh: CIA-spotters

Henry Kissinger (phải) là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và ngoại trưởng dưới thời tổng thống Richard Nixon. Kissinger cùng với ông Lê Đức Thọ, đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hai người có vai trò chủ chốt trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, đảm bảo Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến. Hai ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải.

Sau khi rời ghế cố vấn và ngoại trưởng, ông giảng dạy về đối ngoại, thành lập một doanh nghiệp tư vấn, và làm chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá. Năm 2006, Kissinger được cho là thường xuyên gặp Tổng thống George Bush để cố vấn về chiến tranh Iraq. Tháng 3/2014, Washington Post đăng một bài xã luận của ông về khủng hoảng Ukraine, đưa ra các quan điểm nhằm cân bằng vai trò của Nga, Ukraine và phương Tây. Kissinger viết nhiều sách, trong đó có cuốn "Vietnam: A Personal History of America's Involvement in and Extrication from the Vietnam War" (Việt Nam: ghi chép cá nhân về sự can thiệp và rút quân của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam), xuất bản năm 2002. Ảnh: ard.de

Daniel Marvin là một cựu trung tá lục quân Mỹ từng tham gia tại chiến trường Việt Nam. Trong thời gian tham gia Chiến tranh Việt Nam, Marvin mang quân hàm đại úy và được biết đến với biệt danh Dangerous Dan (Dan nguy hiểm). Marvin chỉ huy trại biệt kích Dân Nam ở quận An Phú, tỉnh Châu Đốc (nay là huyện An Phú, tỉnh An Giang) từ tháng 11/1965 đến tháng 8/1966.

Sau khi xuất ngũ với quân hàm Trung tá, Daniel Marvin nghỉ hưu ở Cazenovia, New York. Năm 2003, Marvin xuất bản cuốn hồi ký "Expendable Elite – One Soldier's Journey Into Covert Warfare", kể về giai đoạn hoạt động tại An Phú cùng với các mẩu chuyện về một số tướng Việt Nam Cộng hòa. Trong cuốn sách, Marvin kể lại những nhiệm vụ kinh hãi mà đội của ông đã phải hoàn thành và tố cáo những tội ác mà lực lượng lính đặc nhiệm Mỹ gây ra tại An Phú. Ảnh: veteranstoday

Phi công hải quân Mỹ John McCain, tù binh nổi tiếng nhất của "Hilton Hà Nội", nghị sĩ ủng hộ bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Tháng 10/1967, khi đang ném bom trên bầu trời Hà Nội, phi cơ A-4E Skyhawk mà McCain điều khiển bị bắn rơi. Ông bị bắt tại hồ Trúc Bạch và bị giữ làm tù binh chiến tranh trong khoảng 5 năm rưỡi, trước khi được thả vào tháng 5/1973. Trong ảnh, McCain được điều trị vết thương sau khi bị bắt. Ảnh: AP

Sau khi giải ngũ khỏi hải quân năm 1981, McCain tham gia chính trường. Năm 1982, ông được bầu vào hạ viện và trở thành thượng nghị sĩ năm 1986. McCain từng hai lần tranh cử tổng thống nhưng đều thất bại. Ông hiện giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

McCain là một trong những người tích cực thúc đẩy chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại ngoại giao với Việt Nam. Trong ảnh, John Mccain năm 2009 thăm lại nhà tù Hỏa Lò, nơi ông từng bị giam giữ. Ảnh: AFP

John Kerry nhập ngũ Trù bị Hải quân năm 1966, và giai đoạn 1968-1969 làm sĩ quan thường trực trong 4 tháng của một tàu tuần tra của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Khi trở về Mỹ, Kerry gia nhập hội Cựu chiến binh Việt Nam Phản đối Chiến tranh và trở thành tiếng nói tiêu biểu trong phong trào phản chiến.

Ngày 22/4/1971, Kerry  xuất hiện trong một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ (ảnh trên) về đề xuất liên quan đến việc kết thúc chiến tranh. Một ngày trước sự kiện này, Kerry tham gia cuộc biểu tình với hàng nghìn cựu binh khác, ném huy chương và đồng phục của họ qua hàng rào ở trước tòa nhà quốc hội Mỹ. Ảnh: MSNBC

Ông Kerry cùng với Thượng nghị sĩ John McCain (cà vạt đỏ) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chính quyền Mỹ chấm dứt cấm vận thương mại với Việt Nam năm 1994, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ.

Trong ảnh, Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó Bill Clinton (giữa) tuyên bố về ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995. John Kerry hiện giữ chức ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống Obama. Ảnh: TheLifePicture

Jane Fonda, hay còn được biết đến với cái tên Jane Hà Nội, nữ diễn viên người Mỹ sinh tại New York. Bà là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong phong trào phản chiến. Năm 1972, bà đến Hà Nội để bày tỏ sự phản đối trong giai đoạn không quân Mỹ mở chiến dịch ném bom dữ dội vào thành phố. Trong ảnh, Fonda ngồi bên nòng súng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về sau, nữ diễn viên này thay đổi quan điểm. Ảnh: Telegraph

Joan Baez, được mệnh danh là nữ hoàng nhạc đồng quê Mỹ, là người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960. Bà tham gia nhiều cuộc tuần hành biểu tình, các buổi biểu diễn để truyền đi thông điệp hòa bình. Năm 1972, bà cùng một phái đoàn vì hòa bình đến Hà Nội để chuyển thư nhân dịp Giáng sinh cho các tù binh chiến tranh Mỹ. Ngày thứ ba bà ở Hà Nội, Washington bắt đầu chiến dịch ném bom 12 ngày đêm. Bà xuống hầm khách sạn Metropole để trú ẩn bom B-52 và hát trong khoảng thời gian đó. 

Sau khi trở về Mỹ, Baez năm 1973 phát hành album với tựa đề ''Where Are You Now, My Son?'' (Con trai ơi, giờ này con ở đâu?). Album có tiếng nói được ghi âm trong hầm trú ẩn khách sạn và những thanh âm của Hà Nội như tiếng còi báo động không kích, tiếng bom rơi, tiếng của một bà mẹ khóc gào gọi con sau trận bom Mỹ. Ảnh: Themetropoleblog

Joan Baez tháng 4/2013 trở lại khách sạn Metropole ở Hà Nội. Đặt chân xuống hầm trú ẩn năm xưa, bà Baez chạm tay vào bức tường, nhắm mắt để tĩnh tâm rồi hát bài dân ca của người Mỹ gốc Phi "Ôi Tự do!". Ảnh: Pathofhistory

Nghệ sĩ phản chiến Mỹ hát trong boongke Hà Nội
 
 

 

Phương Vũ