Thứ sáu, 22/11/2024
Chủ nhật, 26/2/2017, 00:00 (GMT+7)

Tiệm trà hơn 100 tuổi của cụ bà ở khu chợ Bến Thành

Giữa không gian sầm uất ở khu chợ Bến Thành, có một tiệm bán trà đã tồn tại suốt 104 năm qua ở ngay trung tâm Sài Gòn.

Nằm lọt thỏm giữa những cửa hàng sầm uất của dãy nhà cổ kính trên đường Phan Chu Trinh (cửa Tây chợ Bến Thành) là căn nhà số 13 khá đìu hiu vì không buôn bán gì. Nơi đây, trước kia vốn là một tiệm trà được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20.

Tiệm trà mang tên Ô Tòng Ký, hiện do bà Kha Quyên (84 tuổi) sở hữu. Bằng chất giọng Việt lơ lớ đặc trưng của những người Hoa, bà chia sẻ: "Tổ phụ tôi là người Trung Hoa, di cư sang Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ. Đến đời cha tôi thì mở tiệm trà này vào năm 1913, khi ấy chợ Bến Thành vẫn đang xây dựng".

Bà Quyên đã tuổi cao lại không gia đình, các con cháu cũng định cư nước ngoài nên tiệm trà đã đóng cửa hàng chục năm nay. Dù vậy, người chủ vẫn giữ nguyên vẹn không gian quán, các vật dụng, sinh hoạt có từ khi mới mở tiệm.

Những bộ bàn ghế, tấm bảng hiệu, kệ để hàng... vẫn còn nguyên vẹn, có tuổi đời ít nhất 50 năm. Nhìn không gian căn nhà cổ kính, bà Quyên tâm sự: "Hai dãy nhà bên hông chợ Bến Thành vốn của gia đình chú Hỏa. Sau thời Pháp thuộc, con đường được đổi tên thành Phan Chu Trinh nhưng số nhà vẫn không thay đổi suốt trăm năm qua. Căn nhà này tôi cũng chỉ thuê, mãi đến năm 1974 mới mua được".

Hiện tại, bà Quyên ở cùng cháu ngoại đã ngoài 50 tuổi. Nhìn những hộp đựng trà bằng kim loại, ông Minh (cháu ngoại) chia sẻ: "Ngày xưa người ta chỉ đựng trà trong hộp này. Khi ấy, dãy phố này bán đủ mặt hàng, có quán ăn, giải trí nhộn nhịp lắm. Họ gọi nguyên khu Bến Thành là chợ Sài Gòn. Cả chợ thì chỉ có nhà tôi bán trà".

Những hộp đựng trà bằng kim loại cỡ nhỏ, có in hình người sáng lập tiệm vẫn được giữ lại. Theo bà Quyên, ban đầu tiệm bán chủ yếu các loài trà Trung Quốc, sau có thêm trà Bảo Lộc, Lạng Sơn, trà con khỉ...

Thậm chí, cả túi giấy gói trà cách đây hơn nửa thế kỷ cũng được gia đình gìn giữ cẩn thận. Thời hoàng kim của tiệm là những năm 50 - 70 của thế kỷ trước. Sau giải phóng, tiệm hoạt động cầm chừng rồi lụi tàn dần do thời thế thay đổi.

Nhớ lại thời ấy, bà Quyên bồi hồi: "Cả nhà tôi ai cũng tập trung kinh doanh. Trà giao khắp nơi, nhiều nhất là vùng Biên Hòa. Hồi ấy, làm ăn phát đạt, cha tôi mua đến 3 căn nhà ở đường Trần Quốc Toàn (tức đường Ba Tháng Hai ngày nay) nhưng nay đã bán hết, chỉ còn đúng căn nhà này".

Ngoài bán trà, hồi ấy gia đình bà Quyên còn dành một không gian để bán rượu Tây, bánh trung thu, các loại kẹo mè, đậu phộng, mứt Tết. Toàn bộ các kệ hàng vẫn được giữ nguyên vẹn, đúng cách bày trí ngày xưa. Vào thời thịnh đạt nhất của Ô Tòng Ký, những ngày lễ Tết, hàng hóa chất kín cả khu vực bên trong nhà mới đủ cung cấp cho nhu cầu của khách mua.

Một trong những món đồ quý nhất trong tiệm là chiếc cân Thiên Bình, có từ khi mới mở quán. "Cả Sài Gòn giờ kiếm có khi không còn cái cân này. Nó cân không khi nào sai", bà Quyên nói. 

Những quả cân, các đồng tiền cổ từ thời Pháp thuộc vẫn được lưu trữ. "Có nhiều người trong lẫn nước ngoài tới hỏi mua lại mấy món trong tiệm này như bộ cân hay mấy chục cái thùng đựng trà này rồi đó chứ. Tới cái tay nắm cửa tủ rượu này họ cũng hỏi mua nữa".

"Con hổ này cũng nằm im trong tủ kính ngót nửa thế kỷ rồi. Giờ mở cửa để vậy thôi chứ hầu như chẳng còn ai biết đến sự tồn tại của Ô Tòng Ký nữa", bà bùi ngùi.

Nhìn phố xá nhộn nhịp, những tòa cao ốc sang trọng ở trung tâm Sài Gòn, bà Quyên tâm sự: "Tôi giữ nguyên trạng tiệm dù không bán nữa để khi đi ra đi vào nhìn cũng đỡ hoài niệm. Những người ở đây ngày trước họ đi hết rồi. Thi thoảng, có những người từ xa về thăm, thấy mình còn ở đó, họ ghé lại uống ly nước trà cũng vui rồi".

Quỳnh Trần