Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 9/3/2015, 09:43 (GMT+7)

Nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy - bây giờ

"Trải qua chiến tranh, chúng tôi đều từ những cô gái non nớt dần cứng rắn, trưởng thành. Cuộc sống riêng tư có trắc trở thì tình cảm chị em cũng không thay đổi, gặp mặt nhau vẫn gọi mày xưng tao, vỗ vai nhau như hồi còn trẻ", bà Kim Dung chia sẻ.

Sau Tết Mậu Thân 1968, chiến sự ở các mặt trận ngày càng ác liệt. Trên tuyến đường Trường Sơn, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá để ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trong khi đó, nhu cầu cung cấp sức người, sức của cho miền Nam ngày càng lớn. Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn quyết định thành lập đội lái xe nữ, vừa làm nhiệm vụ vận tải tuyến hậu phương, vừa động viên tinh thần lái xe, bộ đội trên đường Trường Sơn. Ngày 18/12/1968, trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh ra đời tại vùng rừng núi của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), gồm 40 cô gái lái xe và thợ sửa chữa được tuyển chọn từ các nữ thanh niên xung phong khỏe mạnh, biết chút ít về kỹ thuật xe. 

Năm 1972, trung đội nữ lái xe được điều về Trường đào tạo lái xe D255 thuộc Cục quản lý xe máy để làm giáo viên dạy lái xe nữ. Tại đây, Đại đội lái xe C13 được thành lập, gồm 40 giáo viên lái xe và 300 học viên lái xe nữ. Sau khi được đào tạo, đội quân này tiếp tục phục vụ tại các kho xăng, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho lái xe nam ra tiền tuyến. Sau ngày đất nước thống nhất, đại đội không làm nhiệm vụ đào tạo lái xe nữa, những nữ tài xế trở về đời thường, mỗi người mỗi ngả. Đến ngày truyền thống, họ lại gặp mặt nhau ở Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hòa, chính trị viên đại đội cho hay: "Mỗi lần có một người mất đi là chúng tôi lại bổ sung người từ số 300 học viên nữ đã được đào tạo để đội luôn giữ nguyên quân số 40 người như ngày đầu tiên thành lập". Ngày 17/12/2014, đại đội nữ lái xe Trường Sơn đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh là đội nữ duy nhất trong hai cuộc kháng chiến; đại đội nữ lái xe C13 là đơn vị đào tạo nữ lái xe duy nhất cho quân đội.

Từng trốn gia đình đi thanh niên xung phong, bà Phùng Thị Viên là trung đội trưởng của 40 cô gái đội lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Năm 1972, Đại đội nữ lái xe C13 được thành lập, bà làm đại đội trưởng. Đất nước thống nhất, bà Viên về công tác tại Phòng xăng xe của Tổng cục kỹ thuật rồi kết hôn với ông Đoàn Đình Thanh và sinh được một cô con gái. Bà mất vì căn bệnh ung thư hành hạ suốt nhiều năm. Năm 2014, đại đội trưởng Phùng Thị Viên được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Mỗi lần nhắc đến mẹ, con gái Đoàn Thị Phương Nga đều rất tự hào vì tuổi trẻ mẹ đã cống hiến rất nhiều cho đất nước.

Cô gái Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (quê Hưng Yên) và chàng trai Trần Công Thắng (Hà Nội) gặp rồi yêu nhau từ hồi còn là thanh niên xung phong ở Yên Bái. Chàng trai được mọi người gọi là "trung úy Phương" vì có nét mặt giống diễn viên Thế Anh, người đóng vai trung úy Phương trong bộ phim Nổi gió. Năm 1968, họ cùng làm nhiệm vụ ở trên tuyến đường Trường Sơn. Anh Thắng làm công binh đảm bảo thông suốt cho tuyến đường bên Tây Trường Sơn. Còn cô Ánh lái xe vận tải bên Đông Trường Sơn. Năm 1974, hai người gặp lại nhau ở Hà Nội sau 8 năm yêu và chờ đợi nhau.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ánh phục viên, sinh con rồi xin vào phục vụ trong đội lái xe của Bộ Tài chính. Từng trải qua nhiều năm lái xe ở Trường Sơn, bà được giao nhiệm vụ lái xe cho hai thứ trưởng của Bộ là ông Ngô Thiết Thạch và bà Phạm Thị Mai Cương. Hiện, bà nghỉ hưu và sống cùng chồng ở Long Biên (Hà Nội). Vợ chồng bà có hai người con đều thành đạt. Tình yêu của ông bà đã trải qua 50 năm.

Năm 1965, Bùi Thị Vân (quê Nam Định) mới tròn 16, khai tăng tuổi để đi thanh niên xung phong với suy nghĩ "không thể ngồi yên một chỗ khi chiến trường đang ác liệt". Khi hết 3 năm nghĩa vụ, biết binh trạm tuyển con gái để lập đội nữ lái xe, Vân xung phong đi học lái. Cô gái nhỏ nhắn, được gọi là Vân "hoa lá" luôn giành giải trong các cuộc thi Đầu xe Hồng Gấm, Tay lái 8/3... của trung đội.

Sau lần đưa thương binh Nguyễn Trần Đừng về nơi an dưỡng, tài xế Bùi Thị Vân liên tục nhận được thư anh. Sau này khi đã khỏi, anh còn nhờ bạn đạp xe đèo đến đơn vị thăm cô. Cảm động trước tấm chân tình ấy nên Vân đã nhận lời xây dựng gia đình với anh.

Giờ đây, bà Vân đã bước sang tuổi 67, là mẹ của 5 người con và 10 cháu nội. Hiện, bà sống ở Định Công (Hà Nội). Năm 2014, sự ra đi của chồng khiến bà Vân suy sụp nhiều.

Trốn mẹ đi thanh niên xung phong, bà Kim Dung (bên phải) trở thành tiểu đội trưởng tiểu đội 2, trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời cầm tay lái của bà là một lần đang sửa xe thì bị chiếc cờ lê va vào miệng, mẻ mất hai chiếc răng.

Trở về từ chiến trường, bà Dung mang thương tật 22% do sức ép của bom. Sau ngày thống nhất, bà lái xe con cho chủ nhiệm kho J112 của Cục quản lý xe máy rồi về hưu với quân hàm thiếu tá. Năm 1990, bà kết hôn với ông Chu Văn Tuấn. Được làm vợ mà không được làm mẹ, bà dành hết tình yêu thương cho ba người con riêng của chồng và các cháu nội.

Hoàng Phương
Ảnh tư liệu