Thứ sáu, 20/9/2024
Thứ hai, 4/1/2016, 15:08 (GMT+7)

Những vấn đề định hình thế giới năm 2016

Bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria hay Thế vận hội mùa hè Olympics ở Brazil dự kiến là những vấn đề sẽ giành được nhiều sự quan tâm trong năm 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Đi kèm với đó, người dân trên toàn nước Mỹ vào ngày 8/11 sẽ tham gia cuộc bầu cử trọng đại nhằm tìm ra người lãnh đạo mới của đất nước.

Donald Trump, tỷ phú với hàng loạt phát ngôn gây sốc đang chạy đua vào Nhà Trắng, được dự đoán sẽ làm náo loạn cuộc gặp mặt của các ứng viên tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 7, theo Reuters.

Lực lượng liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tiêu diệt hoàn toàn tổ chức này. Song, câu hỏi về việc có nên triển khai bộ binh tham chiến hay không vẫn bỏ ngỏ.

Thế vận hội mùa hè Olympics 2016 sẽ bắt đầu từ ngày 5/8 ở Brazil, dù vậy hiện vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề tồn tại ở những địa điểm tổ chức sự kiện, trong đó tình trạng ô nhiễm là mối quan tâm hàng đầu.

Kính thiên văn lớn nhất thế giới được xây dựng trên vùng núi thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 9.

Sau vụ bê bối hối lộ dẫn đến quyết định từ chức của cựu chủ tịch Sepp Blatter, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sẽ bầu ra người lãnh đạo mới vào tháng hai.

Nhu cầu sử dụng máy bay không người lái tiếp tục gia tăng. Trung Quốc sẽ dần nổi lên như một quốc gia sáng tạo đẳng cấp thế giới, không còn là "chuyên gia sao chép".

Sau những vụ khủng bố đẫm máu, điển hình là ở thủ đô Paris, Pháp, hay San Bernardino, Mỹ, an ninh trên toàn cầu năm 2016 sẽ được thắt chặt hơn nhằm giảm thiểu nguy cơ từ các cuộc tấn công bất ngờ, chớp nhoáng.

Sau hành trình kéo dài 5 năm, tàu vũ trụ Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tiếp cận quỹ đạo sao Mộc trong năm nay.

Xung đột ở Iraq và Syria được dự báo sẽ tiếp tục đẩy nhiều người tị nạn rời khỏi quê hương để tìm tới miền đất hứa châu Âu, đặt ra thách thức cho chính sách mở cửa của Đức.

Đà tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Trung Quốc chấm dứt vào năm 2015. Triển vọng cho năm 2016 không mấy khả quan khi tốc độ phát triển kinh tế chững lại.

Với việc Thủ tướng Anh David Cameron thông báo kế hoạch yêu cầu các công ty nước này công bố khác biệt trong mức lương giữa nhân viên nam và nhân viên nữ, cùng việc ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng lấy chủ đề bất bình đẳng thu nhập làm trọng tâm cho chiến dịch tranh cử của mình, vấn đề trên được dự đoán sẽ trở thành tâm điểm chú ý trong năm 2016.

195 quốc gia, tại một hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris, đã cam kết hạn chế lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Năm nay, thế giới sẽ có cơ hội kiểm chứng xem cam kết ấy được thực hiện như thế nào.

Mặc dù chưa rõ thời điểm thực hiện nhưng Mỹ và Cuba đã đồng ý khôi phục lại đường bay thương mại giữa hai nước.

Viên cảnh sát Mỹ Caesar Goodson trong tháng một sẽ phải ra hầu tòa với những cáo buộc liên quan tới cái chết của Freddie Gray, một thanh niên gốc Phi sống tại thành phố Baltimore, bang Maryland. Giới quan sát nhận định sự kiện có thể sẽ thúc đẩy hàng loạt cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Những tác động của quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra năm 2015 sẽ được kiểm chứng trong năm nay.

Vũ Hoàng (Ảnh: Reuters)