Thứ bảy, 16/11/2024
Thứ bảy, 11/6/2016, 20:39 (GMT+7)

8 nơi khả dĩ nhất có sự sống ngoài hệ Mặt Trời

Với hơn 100 tỷ ngôi sao chỉ tính trong Ngân Hà, các nhà khoa học cho rằng có rất nhiều nơi khác ngoài Trái Đất tồn tại sự sống.

Theo Business Insider, dựa vào các yếu tố như kích thước hành tinh, khoảng cách tới ngôi sao mẹ, địa chất, những yếu tố cho phép tồn tại nước lỏng trên bề mặt hành tinh, các nhà khoa học lựa ra 8 nơi khả dĩ nhất có sự sống ngoài hệ Mặt Trời.

Kepler-442b, cách Trái Đất 1.100 năm ánh sáng. Ảnh: Public Domain

Dựa trên các tiêu chí này, hành tinh Kepler-442b được cho là phù hợp với sự sống hơn cả Trái Đất. Nó có kích thước tương đương Trái Đất, được phát hiện vào năm 2015, cách Trái Đất khoảng 1.100 năm ánh sáng. Nó xoay quanh một ngôi sao nhiệt độ thấp hơn Mặt Trời, và nếu Kepler-442b là một hành tinh đá, nó sẽ nặng gấp đôi Trái Đất.

Được phát hiện vào năm 2014, Kepler-186f là hành tinh đầu tiên được xác nhận xoay quanh sao mẹ trong vùng "có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng, thích hợp cho sự sống phát triển (HB)". 

Nó chỉ lớn hơn Trái Đất 10% và có những bằng chứng cho thấy thành phần của nó là đá. Kepler-186f quay quanh một ngôi sao cách Trái Đất 500 năm ánh sáng, lạnh hơn và đỏ hơn Mặt Trời.

Gliese 667 Cc, phát hiện vào năm 2011, cách Trái Đất 24 năm ánh sáng. Ảnh: REUTERS/ESO/L

Gliese 667 Cc nằm trong vùng HB một ngôi sao lùn đỏ, lạnh và mờ, cách Trái Đất 24 năm ánh sáng. Đây cũng là một hành tinh đá, ước tính nặng gấp 4 lần Trái Đất nhưng các nhà khoa học chưa thể xác định kích thước của nó.

Hệ sao Alpha Centauri, cách chúng ta chỉ 4 năm ánh sáng. Ảnh: REUTERS/ESO/L. Calcada/N. Risinger

Đây là một hệ sao 3 ngôi, đặc biệt nổi tiếng gần đây khi Stephen Hawking và Yuri Milner đưa ra ý tưởng bắn một tàu vũ trụ nano tới đó tìm kiếm sự sống. Các nhà thiên văn tin rằng rất có thể có một hành tinh giống Trái Đất có sự sống tồn tại ở đây.

TRAPPIST-1, sao lùn đỏ cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Ảnh: ESO/M. Kornmesser/N. Risinger/Handout

Đây là một ngôi sao lùn đỏ siêu lạnh, được chú ý gần đây khi các nhà thiên văn phát hiện ba hành tinh kích thước tương đương Trái Đất quay quanh nó. Dù các hành tinh này không nằm trong vùng HB, nhưng hai trong số chúng bị "khóa thủy triều", luôn chỉ quay một mặt cố định hướng về ngôi sao cho thấy các túi nước có thể hình thành để sự sống phát triển.

Kepler-22b, hành tinh được coi là giống với Trái Đất nhất. Ảnh:  REUTERS/NASA/Ames/JPL-Caltech/Handout

Được phát hiện vào năm 2011, Kepler-22b được coi là hành tinh giống với Trái Đất nhất. Nó nằm trong vùng HB một ngôi sao cách Trái Đất 600 năm ánh sáng, có kích thước gấp đôi Trái Đất và nhiệt độ bề mặt trung bình 22 độ C.

Kepler 62, ngôi sao chứa 2 hành tinh có thể có sự sống. Ảnh: REUTERS/NASA Ames/JPL-Caltech/Handout

Ngôi sao này cách Trái Đất 1.200 năm ánh sáng, hơi lạnh hơn Mặt Trời một chút và có hai hành tinh nằm trong vùng có sự sống quay xung quanh, Kepler-62e và Kepler-62f.

Hai hành tinh này được phát hiện vào năm 2013 và đặt tên là "siêu Trái Đất" vì có khối lượng hơi lớn hơn địa cầu.

Kepler-452b (phải), một "siêu Trái Đất: khác, cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Ảnh: REUTERS/NASA/Ames/JPL-Caltech/T. Pyle/Handout

Hành tinh này quay quanh một ngôi sao già hơn Mặt Trời 1,5 tỷ năm nhưng vẫn có cùng độ nóng. Được phát hiện vào năm 2015, hành tinh này đã nằm trong vùng có sự sống của ngôi sao trên 6 tỷ năm, quá nhiều thời gian cho sự sống phát triển với điều kiện và thành phần phù hợp.

Nguyễn Thành Minh