Dương Chí Dũng khai tên người báo tin khởi tố
Sáng 7/1, TAND Hà Nội xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cảnh sát quản lý hành chính, Bộ Công an) về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) trốn ra nước ngoài.
Ông Dũng, người đã lĩnh án tử hình trong vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines, bị đưa đến tòa với tư cách người làm chứng.
Cùng hầu tòa với ông Trọng về tội Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài có các bị cáo Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng); Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng) và Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng).
Ảnh phiên tòa xử Dương Tự Trọng
Tòa triệu tập 6 nhân chứng nhưng chỉ 3 người có mặt. Hai luật sư bảo vệ cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng là ông Nguyễn Đình Hưng và bà Vũ Thị Kim Ngọc, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Bị cáo Sơn có luật sư Đặng Viết Hùng bào chữa. Bị cáo Tuấn mời luật sư Nguyễn Thái Hoà và Trần Thiện Thuật. 4 bị cáo còn lại tự bào chữa.
Theo truy tố của VKSND Tối cao, chiều 17/5/2012, được mật báo qua điện thoại về việc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian lãnh đạo Vinalines, ông Dương Chí Dũng vội gọi điện thoại báo cho em trai Dương Tự Trọng.
Để cứu anh, ông Trọng giao thuộc cấp thân tín là Sơn thay mặt đứng ra tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn. Trong tối 17/5/2012, Thắng, Ánh, Tuấn, Phong, Dũng "Bắc Kạn" và một số người khác sử dụng ôtô đưa ông Dũng trốn về Quảng Ninh. Tối 23/5/2012, Phong và Dũng "Bắc Kạn" đưa ông Dũng từ TP HCM vào cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Từ đây, ông Dũng đi sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ. Không được cấp visa, ông Dũng quay về Campuchia sống bằng tiền chu cấp của ông Trọng. Việc bố trí chỗ ở cho ông Dũng trong thời gian bị Interpol quốc tế truy nã được ông Trọng giao cho Dũng "Bắc Kạn" và Phong. Ngày 4/9, ông Dũng bị bắt, di lý từ Campuchia về Việt Nam.
Tại phiên tòa, 6 bị cáo Sơn, Ánh, Tuấn, Thắng, Phong, Dũng "Bắc Kạn" thừa nhận nội dung truy tố là đúng. Riêng bị cáo Trọng phủ nhận mọi cáo buộc.
Bị cáo Sơn khai ngày 17/5/2012 được ông Trọng gọi sang phòng làm việc, thông báo "tình hình anh Dũng đang xấu". Sáng 19/5/2012, tại nhà bố mẹ Sơn, mọi người bàn chuyện của ông Dũng. Ông Trọng nói nên đưa ông Dũng "tạm lánh một thời gian".
Theo lời khai của bị cáo Sơn, hôm đó, mọi người không phân công gì nhưng ai cũng hiểu phải đưa ông Dũng ra nước ngoài. Mọi việc Sơn làm cho anh em ông Trọng đều xuất phát từ quan hệ tình cảm, đồng nghiệp. "Trong kế hoạch này, anh Trọng giao cho mỗi người một việc", Sơn nói.
Bị cáo Phong khai Sơn gọi điện cho anh ta "nhờ hỏi xem có đưa được người ra nước ngoài không". Nghi can nguyên là cán bộ hải quan đang trốn truy nã nhiều năm này ngay sau đó đã cùng với Dũng “Bắc Kạn” đến nhà phó phòng cảnh sát hình sự Sơn tại Hải Phòng để trao đổi kế hoạch đưa ông Dũng bỏ trốn. Cả nhóm làm theo đề xuất của Dũng "Bắc Kạn" đưa ông Dũng sang Campuchia rồi sang nước thứ ba.
Phong sau đó cùng ông Dũng bay sang Singapore. Khi trở về Việt Nam, Phong nhận được điện thoại của ông Dũng báo đã bị từ chối cấp visa vào Mỹ. "Một hai hôm sau, bị cáo mới sang Singapore gặp anh Dũng và đưa về Campuchia", Phong khai.
Khi ông Trọng lo lắng cho cuộc sống của ông Dũng đã yêu cầu Phong sang Campuchia lần thứ hai để thu xếp chỗ ở cho an toàn hơn. "Bị cáo có đưa gì cho Dương Chí Dũng?", tòa hỏi. Phong đáp: "Bị cáo giao 4.000 USD".
Trong 3 phút trả lời thẩm vấn, bị cáo Trọng hầu như không khai gì. Chủ tọa hỏi: "Ai báo tin cho bị cáo về việc anh Dũng sẽ bị khởi tố?". Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trả lời: "Như trong lời khai, tôi không biết".
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: "Bị cáo có nghe rõ lời khai của Sơn vừa xong". Dù đáp "có" nhưng ông Trọng bảo "không phủ nhận cũng không công nhận lời khai của Sơn". Bị cáo Trọng cũng bác toàn bộ lời khai của bị cáo Tuấn về nội dung trao đổi giữa hai người.
Phiên tòa "nóng" lên khi nhân chứng Dương Chí Dũng khai về cuộc điện thoại mật báo tin bị khởi tố. Ông Dũng khai trưa ngày 17/5/2012 gọi điện cho Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Chiều cùng ngày, ông Dũng đến gần nhà ông Ngọ và sau đó được hẹn tối đến. Khoảng 18h, ông Dũng nhận được điện thoại của vị thứ trưởng nói quyết định khởi tố, bắt tạm giam đã được phê chuẩn. "Ông Ngọ bảo tôi rằng chú tránh đi một thời gian", ông Dũng khai.
Dương Chí Dũng nói thêm: "Tôi đã bị tuyên án tử hình nên ra đây tôi chỉ khai sự thật. Nghe em trai khai tại tòa, tôi rất thương". Sau ít phút trình bày của ông Dũng, tòa thông báo dừng phiên xử buổi sáng.
Ngay sau đó VnExpress đã liên lạc qua điện thoại với Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ về những lời khai trên của Dương Chí Dũng. Ông Ngọ phủ nhận, cho hay: "Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này". (Bấm vào đây để nghe audio)
Ông Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. Hiện ông Ngọ đang trong giai đoạn điều trị bệnh.
Ngày 17/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và chức vụ xảy ra tại Vinalines. Quyết định khởi tố ông Dũng được ký cùng ngày. Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt, khám xét nhưng ông Dũng không có mặt tại nhà và cơ quan. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Công an phát lệnh truy nã nghi can này. Giữa tháng 6/2012, lệnh truy nã quốc tế ông Dũng được Interpol phát đi. Ngày 4/9/2012, ông Dũng bị bắt tại Campuchia. Ngày 7/9/2012, vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài được khởi tố. Trần Văn Dũng là nghi can đầu tiên bị bắt (ngày 4/9/2012). Ngày 5/12/2012, Vũ Tiến Sơn bị bắt. Ngày 18/12/2012, Đồng Xuân Phong bị bắt. Ngày 27/1/2013, Hoàng Văn Thắng bị bắt. Ngày 28/1/2013, Nguyễn Trọng Ánh bị bắt. Ngày 22/2/2013, Dương Tự Trọng bị bắt, lúc này đã được thăng chức làm Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an. Ngày 20/3/2013, Phạm Minh Tuấn bị bắt. |
Mai Chi