Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vượt Anh, đuổi Mỹ
Hai năm trước, khi Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên quan trọng của NATO, tuyên bố kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, các công ty vũ khí Mỹ được cho là có nhiều cơ hội nhất thắng gói thầu trị giá nhiều tỷ USD này, bởi hệ thống tên lửa Patriot của Raytheon hay Lockheed Martin đều tương thích với hệ thống phòng không của NATO.
Các công ty khác của Nga và châu Âu cũng tham gia bỏ thầu, nhưng đều bị Thổ Nhĩ Kỳ từ chối. Cuối cùng, người thắng thầu lại là Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc. Công ty này thậm chí còn không phải là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thế giới.
Quyết định này làm kinh động Washington và Brussel cũng như giới phân tích quân sự, bởi hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 của Trung Quốc không tương thích với trang bị quân sự hiện tại của NATO. Ngoài ra, công ty trên đang bị Mỹ cấm vận, với lý do hỗ trợ kỹ thuật cho Iran, Syria và Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo phân tích của các chuyên gia, Trung Quốc sở dĩ đánh bại được các đối thủ nặng cân hơn, là bởi có ưu thế lớn về giá cả. Mức giá của hệ thống HQ-9 chỉ khoảng 3 tỷ USD.
Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh đáng gờm
"Đối với Trung Quốc, đây là một thắng lợi lớn", ông Pieter Wezeman, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) bình luận. Ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang hướng đến mục tiêu tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành đối thủ cạnh tranh được khách hàng tin cậy trên thị trường vũ khí quốc tế.
Trong quá khứ, các công ty Trung Quốc chủ yếu cung cấp các loại vũ khí nhỏ. Nhưng hiện nay, họ đang tích cực đẩy mạnh tiêu thụ vũ khí công nghệ cao ra nước ngoài, với đối tượng chính là các nước đang phát triển.
Các công ty của Nga đang chịu nhiều áp lực nhất, nhưng các công ty đến từ Mỹ và châu Âu cũng ngày càng vấp phải sự cạnh tranh từ các đồng nghiệp Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ cạnh tranh với chúng tôi trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong phân khúc thị trường công nghệ cao", ông Marwan Lahoud, giám đốc chiến lược và tiêu thụ thuộc Tập đoàn phòng vệ vũ trụ châu Âu (EADS) cho biết. "Trong 100 thương vụ, sẽ có 3-4 lần người Trung Quốc ngáng đường chúng tôi. Họ sở hữu và đang xuất khẩu tất cả các loại hình kỹ thuật".
Trong một báo cáo của SIPRI về tình hình vận chuyển vũ khí toàn cầu, lượng xuất khẩu vũ khí thông thường của Trung Quốc giai đoạn 2008-2012 tăng 162%, với khách hàng lớn nhất là Pakistan. Báo cáo này cũng ước tính, Trung Quốc đã vượt Anh trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới.
Căn cứ theo số liệu của Tập đoàn IHS Jane's, công ty chuyên tư vấn và phân tích công nghiệp quốc phòng, kim ngạch xuất khẩu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
"Việc các công ty Trung Quốc mở rộng phát triển và tiêu thụ vũ khí có hàm lượng kỹ thuật cao là hiện tượng hết sức bình thường", ông Từ Quang Dụ, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, cho biết. Ông này là một thiếu tướng quân đội về hưu.
"Trung Quốc không ngừng nâng cao chất lượng và giảm thiểu giá thành, bởi chúng tôi cũng chịu sự chi phối của thị trường. Trung Quốc còn có ưu thế là không đặt điều kiện với tình trạng chính trị của các nước", ông Từ bình luận. "Ai nắm quyền, ai xây dựng quan hệ đối ngoại với nước chúng tôi, thì chúng tôi đều có thể đàm phán với họ về vấn đề buôn bán vũ khí".
Khi được hỏi về việc Trung Quốc bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Việc Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm quân sự căn cứ trên nguyên tắc không làm tổn hại đến hòa bình, an toàn và ổn định của khu vực và thế giới, cũng như nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước mua".
Theo số liệu đăng tải trên website của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Norinco Trung Quốc, lợi nhuận năm 2012 của công ty này vào khoảng 1,6 tỷ USD, tăng trưởng 45% so với năm 2010. Doanh thu năm 2012 đạt 59 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2010.
Ông Guy Anderson, chuyên gia phân tích cao cấp thuộc Tập đoàn IHS Jane's, nhận định, Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào các mẫu chiến đấu cơ và máy bay phản lực. Kỹ thuật máy bay phản lực của quốc gia này hiện nay vẫn phải phụ thuộc vào các đối tác phương Tây và Nga.
"Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào công tác nghiên cứu. Họ cũng có kế hoạch thúc đẩy phát triển nền công nghiệp nước mình thông qua hợp tác với nước ngoài. Trong tương lai gần, họ sẽ đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh phương Tây", ông Anderson phân tích.
Ông này cũng dự đoán Trung Quốc cần 10 năm nữa mới có thể cạnh tranh với phương Tây về phương diện kỹ thuật. Nhưng các thiết bị quân sự Trung Quốc có giá thành thấp, sẽ được các thị trường mới nổi hoan nghênh, bao gồm các quốc gia châu Phi và Nam Mỹ.
Argentina là khách hàng mới của Trung Quốc, ký hợp đồng với công ty Avicopter, trang bị máy bay trực thăng hạng nhẹ Z-11 cho quân đội. Theo tính toán, Trung Quốc sẽ cung cấp cho quân đội Argentina 40 máy bay trực thăng, nhưng giá trị hợp đồng không được công bố.
Chất lượng sản phẩm vẫn là câu hỏi lớn
Một trọng tâm khác của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là máy bay không người lái. Trong Triển lãm hàng không vũ trụ Bắc Kinh được tổ chức tháng 9 năm nay, Tập đoàn công nghệ vũ trụ Trung Quốc (AVIC) công bố máy bay trinh sát và tấn công không người lái CH-4, với 4 loại hình tên lửa.
CH-4 chưa đạt tầm như một số mẫu máy bay không người lái tương tự của nước ngoài, động cơ cũng không phải do Trung Quốc sản xuất, nhưng các linh kiện khác bao gồm tên lửa đều là sản phẩm của nước này. Mẫu máy bay này đang trong quá trình xin giấy phép xuất khẩu.
AVIC trưng bày mẫu Wing Loong, máy bay không người lái nổi tiếng nhất của Trung Quốc, có mức giá 1 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với các mẫu tương tự của Mỹ và Israel. Wing Loong được chính thức xuất khẩu năm 2011.
Giới phân tích và các công ty nước ngoài đặc biệt quan tâm đến tiềm năng xuất khẩu của các mẫu máy bay phản lực chiến đấu Trung Quốc, đặc biệt là mẫu J-31 của Công ty máy bay Thâm Quyến. Theo như giới thiệu của quan chức Trung Quốc, mẫu máy bay này có khả năng tàng hình, được thiết kế phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Ông Tôn Thông Tăng, người thiết kế J-31 cũng cho biết phiên bản cải tiến sẽ là mẫu chiến đấu cơ chuyên dụng cho hàng không mẫu hạm.
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết, các mẫu máy bay phản lực chiến đấu Trung Quốc vẫn tồn tại những yếu điểm không có lợi cho xuất khẩu. Điển hình là hệ thống động cơ và điện tử hàng không vẫn phải dựa vào kỹ thuật của nước ngoài. "Họ có thể chế tạo ra hệ thống động cơ vận hành được trong phòng thí nghiệm, nhưng vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt được, bởi còn thiếu kinh nghiêm", ông này cho biết.
Các khách hàng của Trung Quốc cũng có một sự lựa chọn nữa là sử dụng bộ khung của nước này, nhưng lắp đặt các thiết bị của phương Tây, nhằm khắc phục những khiếm khuyết về chất lượng của vũ khí Trung Quốc.
Algeria năm ngoái mua của Trung Quốc ba tàu chiến loại nhỏ, nhưng lại sử dụng hệ thống rada và thông tin của hãng Thales Nederland thuộc Pháp. Thái Lan cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Saab của Thụy Điển để nâng cấp các chiến hạm do Trung Quốc sản xuất.
Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang nỗ lực chạy đuổi các quốc gia phương Tây, không chỉ với ưu thế về giá cả mà còn dựa vào trình độ kỹ thuật ngày càng tiên tiến. Xu thế này khiến các công ty như Saab chịu áp lực phải giảm thiểu đầu tư cho nghiên cứu để cắt giảm giá thành sản phẩm. "Chúng tôi buộc phải chi ít tiền cho nghiên cứu để sản xuất ra nhiều mặt hàng hơn", ông Hakan Buskhe, CEO của Saab, tổng kết.
Đức Dương (Theo NY Times)