Thuốc giảm đau từ gene vô cảm với đau đớn
Chứng vô cảm bẩm sinh với sự đau đớn (CIP) là một căn bệnh vô cùng hiếm gặp, cho đến nay y học thế giới mới ghi nhận khoảng 20 trường hợp người mắc bệnh này. Họ có thể cảm nhận sự đụng chạm nhưng không cảm thấy đau. Điều này khiến họ thường xuyên bị thương, đặc biệt là bỏng vì không cảm nhân được độ nóng.
Theo New Scientist, các nhà khoa học thuộc bệnh viện trường đại học Jena, Đức, đã tiến hành so sánh gene của của cô gái không cảm thấy đau bẩm sinh với gene của bố mẹ cô, những người không bị bệnh này. Sau khi so sánh, tiến sĩ Ingo Kurth và các công sự đã phát hiện thấy một sự thay đổi trong gene SCN11A của cô gái.
Sự thay đổi này đồng nghĩa các tín hiệu không được truyền về cơ quan cảm thận cảm giác đau ở não. Kết quả, cơ thể của cô gái không thể cảm thấy đau. Để khẳng định giả thuyết là chính xác, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu trên chuột.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra những con chuột có gene SCN11A bị biến đổi và sau đó kiểm tra khả năng cảm giác đau của chúng. Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng những con chuột bị biến đổi gene hay bị thương hơn những con chuột bình thường. Những con chuột biết đổi gene cũng phản ứng với sự đau đớn chậm khi đuôi của chúng bị phơi dưới ánh sáng nóng.
Các nhà khoa học hy vọng, khám phá trên có thể dẫn tới sự ra đời của những loại thuộc giảm đau mới, phát huy tác dụng bằng cách ngăn chặn mọi tín hiệu của sự đau đớn.
Mai Phương