Chuyện thi hành án tử hình dưới triều Nguyễn
Tội cuối cùng trong thập ác là tội nổi loạn. Tội phạm liên quan đến trọng tội này là kẻ gian dâm với đàn bà con gái trong họ từ người phải để tang từ 5 tháng trở lên, hay thông dâm với nàng hầu của cha, ông, kể cả kẻ bằng lòng để cho thông gian.
Kẻ nào đó khi phạm một trong 10 tội ác này sẽ bị quan hình án ban lệnh trảm ngay lập tức, dẫu có gặp vào dịp đặc xá cũng không được tha. Tùy mức độ vi phạm mà tử tội có thể bị chém đầu, hay lóc từng miếng thịt cho đến chết, hoặc phải treo cổ… Nhưng nếu họ nằm trong nhóm 8 hạng người đem ra bàn trước khi xử tội, việc xử tử sẽ được đích thân thiên tử xem xét. Đó là người họ hàng về anh em 5 đời trở lên của nhà vua, người cố cựu của nhà vua thường được gọi vào hầu ra mắt và được đặc biệt gia ân hậu đãi lâu ngày, người từng ra trận chém được tướng hay cướp được cờ của giặc hoặc thắng trận ngoài xa muôn dặm, người hiền nhân quân tử có đức hạnh lớn với lời nói và việc làm có thể dùng khuôn phép cho đời, người là dòng dõi của triều đại trước làm khách của triều đại sau…
Những năm đầu lập quốc, để giữ vững kỷ cương phép nước trong tình hình chính sự còn nhiều biến động nên vua Gia Long rất nghiêm khắc với những người phạm tội trong "thập ác". Và để an dân, trong lịch sử 13 đời vua Nguyễn, vua Gia Long cũng là ông vua có rất nhiều lần tha tội chết cho tử tội để tỏ rõ đức hiếu sinh.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (quyển 200) có nhắc đến những lần tha tội chết cho tử tội của vị vua sáng lập triều Nguyễn này. Năm Gia Long thứ 5 (1806), vua ra chiếu chỉ cho tỉnh Gia Định với nội dung: "Ta mới lên nối ngôi, chăm lo mọi việc, trên thể theo lòng hiếu sinh của trời, lúc nào cũng chăm nghĩ đến việc hình là đáng thương xót. Mới rồi có chiếu xuống cho các doanh, trấn ở Bắc thành, phàm những người phạm vào tội quân, lưu trở xuống, đã hay chưa kết án đều cho tha về cả. Tội xử tử bao nhiêu án, chuẩn giao cho Bộ Hình tra xét rõ ràng tội danh nặng nhẹ xin chỉ khoan tha cho có thứ bậc".
Chỉ lệnh vua ban tha tội chết cho tử tội được gọi là xá thư. Năm Gia Long thứ 6 (1807), có một tử tội may mắn nhận được xá thư ấy. Trương Văn Giám nguyên trước đây can tội đánh chết vợ, phải tội giảo giam hậu (giam chờ ngày xử chém). Kỳ xét án mùa thu năm thứ 5, Trương Văn Giám được giảm tội xử tử phải lưu ở tỉnh Quảng Ngãi. Cha mẹ hắn đã được 70 tuổi, tình nguyện đi theo để trông nom nuôi nấng.
Khi ân xá tha tội chết cho tử tội, vua Gia Long tỏ ra rất đắn đo, cân nhắc: "Nhà nước đặt ra điển hình (hình phạt) rõ ràng cốt để răn đe kẻ ác, trị kẻ gian, trừ hại cho dân. Người xưa trong việc hình ngục lúc nào cũng để lòng kính cẩn thương xót, mà cũng răn người về lỗi tha vậy. Xưa có câu rằng: "Phải cẩn thận, chớ có xá bậy. Tha kẻ có tội, làm hại kẻ lương dân". Thế nên khi "xá" cho Trương Văn Giám, vua Gia Long, nói rõ: "Đó là một việc ban ơn ra ngoài pháp luật, từ nay về sau không được viện lệ này mà tâu xin".
Bộ Hình thời bấy giờ cũng đặt ra một số chính sách "tha tội" chết cho những tử tội có hoàn cảnh đặc biệt: "Những tù phạm về tội giết người có tâu xin cho ở lại hầu nuôi bề thân (cha mẹ) phải xét rõ người bị giết ấy còn cha mẹ hay không, có phải là con một hay không. Nếu người bị giết chết ấy cũng là con một, cha mẹ già không có ai hầu nuôi thì tên can phạm giết người ấy không cho được ở nhà hầu nuôi. Nếu người bị giết chết không có họ tên, quê quán để tra xét được sẽ chuẩn cho can phạm ấy được ở lại hầu nuôi bề thân".
Cũng theo Luật Hình triều Nguyễn, tội phạm nào mà anh em đều phải xử tử cả thì luật cho phép để lại một người sống để hầu nuôi bề thân, nhưng phải chiểu lệ tâu lên xin chỉ quyết định.
Theo An ninh thế giới