Phát hiện ba "siêu trái đất" có thể tồn tại sự sống
Một nhóm chuyên gia gồm Anglada-Escude của Đại học Gottingen, Đức và Mikko Tuomi của trường Đại học Hertfordshire, Anh làm trưởng nhóm đã phát hiện các hành tinh trên bằng kính thiên văn thuộc Đài quan sát thiên văn Silla ở Chile, và kính thiên văn không gian Kepler.
Theo BBC, ba hành tinh mới phát hiện xoay quanh một hành tinh tên Gliese 667C nằm cánh trái đất 22 năm ánh sáng trong hệ thống 7 hành tinh, và chúng nằm trong chòm sao Scorpius. Theo các nhà nghiên cứu thì dựa vào nhiệt độ bề mặt, độ sáng phù hợp, các hành tinh này có thể có nước ở trạng thái lỏng. Chu kỳ quỹ đạo của các hành tinh này lần lượt là 28, 39 và 62 ngày. Ba hành tinh có khối lượng nặng hơn trái đất từ 4 đến 8 lần. Nhóm nghiên cứu gọi chúng là các “siêu trái đất”.
Tuy nhiên theo giới nghiên cứu, tất cả các điều trên chỉ là phỏng đoán, vì với khoảng cách 22 năm ánh sáng, khoa học khó tiếp cận với các hành tinh này để có nghiên cứu chính xác hơn.
Trước đó, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều hành tinh khác có thể có sự sống. Gần đây nhất là hành tinh Kepler-22b, được công bố vào tháng 12/2011, hành tinh này có đường kính lớn gấp 2,4 lần trái đất và cách trái đất 600 năm ánh sáng.
Đức Huy