PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hôm nay cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như quy chế năm 2022. Các cơ sở đào tạo xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế này cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Như vậy, thí sinh vẫn được hưởng chính sách ưu tiên khu vực trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp khi xét tuyển đại học, cao đẳng. Về điểm ưu tiên theo đối tượng chính sách như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, Bộ vẫn giữ mức điểm cộng từ 1 đến 2, tùy đối tượng, và không phụ thuộc vào năm thí sinh tốt nghiệp như đối với điểm ưu tiên khu vực.
Tuy nhiên, từ năm 2023, điểm ưu tiên (cả khu vực và đối tượng) với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30) được xác định theo công thức:
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Ngoài ra, việc đăng ký xét tuyển thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ. Trong mọi trường hợp, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Các đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ.
Hồi tháng 10, sau khi công tác tuyển sinh đại học đợt một kết thúc, nhiều trường đại học cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố sớm quy chế tuyển sinh đại học 2023, vì thay đổi dù chỉ là kỹ thuật cũng sẽ tác động rất lớn với thí sinh và các trường.
Trong 5 gần đây, hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều ban hành Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm mới.
Bình Minh