Nhà văn chia sẻ với VnExpress.net những tâm sự về cuốn sách mới ra mắt - "Xuân Từ Chiều".
- Tại sao chị quyết định ghép tên ba nhân vật chính thành tên của tiểu thuyết “Xuân Từ Chiều”?
- Ban đầu tôi định đặt cho cuốn tiểu thuyết là “Làm vợ”, sau thấy nó trùng nhiều quá, nên mới lấy tên của ba nhân vật ghép lại và thấy nó cũng hay hay.
Nhà văn Y Ban. Ảnh: T.G. |
- Một số nhân vật trong các tập truyện trước đây của chị thường được xây dựng từ nguyên mẫu hoặc những câu chuyện có thật trên báo chí. Vậy với Xuân, Từ và Chiều thì sao?
- Thực ra không có tác phẩm nào của tôi được xây dựng từ nguyên mẫu cả, chỉ có I am Đàn bà là lấy từ mẩu tin tôi đọc trên báo về một người đàn bà đi làm oshin ở Đài Loan và bị ra tòa vì quấy rối tình dục ông chủ. Từ mẩu tin đó đến nhân vật Thị của tôi dài như cả một đời người rồi. Nhưng có một điều tất yếu là nhà văn có hư cấu đến đâu thì cũng không thể trượt ra ngoài cuộc sống. Ba nhân vật Xuân, Từ và Chiều cũng được lấy từ cuộc sống.
- Nếu người đọc cho rằng, họ nhận ra nguyên mẫu Y Ban trong nhân vật Từ, chị sẽ nói gì?
Xuân Từ Chiều kể về ba người phụ nữ. Xuân vốn là cô nuôi dạy trẻ, con gái nhà quê, lấy chồng ra phố rồi trở thành trưởng khoa của một trường đại học. Xuân có tình yêu rất đẹp với Tuấn. Nhưng ông Trời cay nghiệt không cho tình yêu đó được đơm hoa kết trái. Khi Tuấn chết, Xuân mới biết, vật linh thiêng mà chồng không bao giờ cho chị đụng đến trong lúc ái ân chỉ là đồ giả. Còn Chiều là người đàn bà vượng phu ích tử. Chị giỏi Toán, vẫn thường giải toán giúp chồng, để anh từng bước hoàn thành việc học, leo dần lên những nấc thang danh vọng. Nhưng cuối cùng, chị chết vì cô đơn trong chính biệt thự sang trọng của mình. Từ tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc sống xô đẩy, cô phải ra đường bán xôi chim. Mệt mỏi xoay xở với cơm áo, chật vật giằng co níu giữ tình yêu và gia đình nhỏ bé, Từ va chạm với mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ… Cuốn tiểu thuyết được viết một mạch và chỉ xuống dòng ở đoạn cuối cùng. Xuân Từ Chiều do NXB Phụ Nữ ấn hành. |
- Đây không phải là tự truyện nên không thể có nguyên mẫu Y Ban trong nhân vật Từ. Có thể là do tôi đã cho Từ một phần đời làm công chức vỉa hè của mình nên mọi người cho rằng có nguyên mẫu Y Ban trong tiểu thuyết. Tôi thường bị ngộ nhận như vậy nhưng không sao cả, vì như thế nhân vật của tôi càng sống động hơn.
- Y Ban vốn là nhà văn không kiêng dè khi viết về sex, nhưng trong cuốn tiểu thuyết mới, tình dục được miêu tả khá nhẹ nhàng và kín đáo. Tại sao vậy?
- Có người nghĩ rằng chắc Y Ban không “phóng bút” sau khi bị đánh cho "tòe mỏ" vụ "I am Đàn bà", nhưng không hẳn như vậy. Chỉ đơn giản là trong Xuân Từ Chiều, nhân vật không cần đến hành vi sex hỗ trợ để làm cho tính cách đậm đà thêm. Nếu trong Xuân Từ Chiều mà để cho sex đậm quá, người đọc sẽ chỉ còn thấy sex mà không thấy được cái mà tôi muốn chuyển tải đến bạn đọc là những vấn đề của xã hội chúng ta đang sống. Những vấn đề của chúng ta hôm nay.
- Trong số các nhà văn viết về sex, chị thích cách viết của ai nhất?
- Tôi chỉ thích mỗi tôi thôi.
- Chồng chị nhận xét thế nào về “Xuân Từ Chiều”, đặc biệt là nhân vật Cương trong tác phẩm?
- Rất may là chồng tôi chưa đọc Xuân Từ Chiều.
- Trong khi viết cuốn tiểu thuyết này, chị vận dụng đến những kiến thức về y học như thế nào?
- Tôi chưa học trường y ngày nào cả nhưng tuổi thơ của tôi là ở các bệnh viện. Cái khu tập thể bệnh viện 1 Nam Định nơi tôi sống từ năm 1972 đến 1989 đã in đậm trong ký ức của tôi, để những trang viết của tôi không phải hư cấu, chỉ cần chép lại ký ức của mình.
Trang bìa cuốn sách. |
- Chị viết nhiều về những nỗi đau của đàn bà. Đã bao giờ chị ngần ngại, không dám viết đến cùng vì sợ nhân vật của mình đau quá?
- Quả là có lúc tôi đã rất ngần ngại nhưng trong tiểu thuyết này tôi không ngần ngại nữa, tôi để cho nhân vật của mình phải tự tử. Tôi nghĩ mãi mà không thể tìm ra lối thoát cho nhân vật Chiều của mình. Nếu tôi tìm được lối thoát nào thì tôi đã không để cho nhân vật của mình phải chết như vậy. Quả là tôi đã không tìm được cách nào cho nhân vật Chiều khỏi chết. Bảo Chiều đói khổ ư, tôi sẽ mang tiền gạo đến cho Chiều. Bảo Chiều bị chồng con ngược đãi ư, tôi sẽ gọi những nhà chức trách đến giúp Chiều… Chiều chỉ cô đơn khôn nguôi trong chính ngôi nhà của mình, giữa những con người mình rất mực yêu thương. Giá như Chiều không còn yêu họ tôi sẽ cứu Chiều ra khỏi căn nhà ấy. Chồng tôi nói với con trai tôi rằng, khi con yêu ai đó, con đã rơi vào một thảm họa hoàn hảo.
- Tại sao chị chọn cách viết không xuống dòng trong suốt quá trình kể chuyện cho cuốn sách mới?
- Nhân gian đúc kết: ba người đàn bà và một con vịt sẽ thành một cái chợ. Một cái chợ quê không có các gian hàng. Tôi đưa bạn đọc đi xem một cái chợ quê với ba người phụ nữ của tôi. Ba người đàn bà của tôi không bán mà họ muốn mua, họ muốn mua cái nhân tình. Cái nhân tình thì không ai bán cả.
Hà Linh thực hiện