From: Nguyen Tran Phuong
Sent: Monday, October 06, 2008 1:10 PM
Subject: Gui toa soan: Gop y ve bai Tim nguoi chong tot kho lam
Chị Trúc thân,
Rất ít khi tôi đọc mục Tâm sự, nhưng lần này lại khác vì một cô bạn của tôi chuyển cái đề tài này cho tôi cùng với email đại loại là: “ Ồ hóa ra đề tài ngày xưa tụi mình tranh luận phiếm đàn ông Việt Nam và đàn ông phương Tây ai ga lăng hơn, hóa ra cũng có nhiều người quan tâm”. Chắc đến đây, quý vị cũng muốn biết cuộc tranh luận của chúng tôi và kết quả ra sao. Vậy mạn phép kể lại tranh luận của chúng tôi, biết đâu cung cấp cho quý vị một khảo sát nho nhỏ.
Những người tham gia buổi tranh cãi đó gồm 7 người (4 nữ và 3 nam), tất cả đều từng học tập và làm việc tại châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó có 2 cô bạn tôi lấy chồng người châu Âu. Đầu tiên chúng tôi cũng đưa ra các hiện tượng ứng xử của đàn ông châu Âu và Việt Nam tại gia đình, sân bay, các khu vực công cộng, dạ tiệc… và thống nhất với nhau là về hình thức của các hiện tượng thì rõ ràng đàn ông châu Âu ga lăng hơn rất nhiều.
Tại sân bay, nếu thấy phụ nữ đang mang nặng, lập tức họ sẽ đến và đề nghị giúp đỡ, và đàn ông Việt Nam dù có ga lăng đến mấy thì… bao giờ cũng chậm hơn. Tại gia đình, đàn ông Việt Nam dù có tốt mấy thì việc giúp vợ làm bếp cũng không được tự nguyện cho lắm. Cuộc tranh luận tưởng như đã kết thúc với số điểm tuyệt đối ga lăng thuộc về những người đàn ông châu Âu, thì bỗng nhiên có một cách đặt vấn đề ngược lại của cô bạn tôi, người sống và làm việc tại Thụy Sỹ, chồng là người Thụy Sỹ.
Cô ấy nói "Sao không đánh giá động cơ của các hành động ấy chứ, tôi có cái nhìn khác, mà tôi đang sống với người đàn ông châu Âu nên tôi lại nghĩ khác”. (Lưu ý gia đình cô ấy rất hạnh phúc, chồng cô là giáo sư của một trường đại học danh tiếng ở Thụy Sỹ, nhà khoa học thỉnh giảng tại nhiều nước).
Các hành động ga lăng của đàn ông châu Âu là kết quả giáo dục kỹ năng của nhiều thế hệ chứ không bắt đầu từ bản chất. Ví dụ: Vào mùa đông lạnh giá, xứ Trung Âu, hai vợ chồng cô ấy đi ra ngoài, chồng luôn nhắc là hôm nay sẽ có tuyết xuống phải mắc ấm, áo khoác dày chống tuyết và luôn nhắc hãy cẩn thận “với thể trạng không quen lạnh của em, em yêu ạ”.
Nhưng sáng hôm sau cô ấy quyết định không nghe lời ông xã và không mặc áo ấm. Quả nhiên lúc tuyết xuống, rất lạnh thì anh chồng vẫn thản nhiên với áo khoác ấm còn vợ vẫn lạnh. Cô ấy bảo người châu Âu rất rõ ràng và độc lập, nghĩa là tôi đã nhắc cô rồi, việc bị lạnh là do ý thích của cô, tôi không can thiệp.
Nếu cũng trong trường hợp đó của anh chàng Việt Nam thì khác, có thể anh ta sẽ không nhắc vợ, hoặc khi ra đường thấy lạnh sẽ cằn nhằn hoặc quát nạt rất gia trưởng, tuy nhiên sẵn sàng cởi chiếc áo ấm nhất hoặc tất cả khoác lên người vợ, đảm bảo vợ con không bị lạnh, còn mình tính sau. Cái đó cũng bắt nguồn từ tính gia trưởng, tôi là trụ cột gia đình, là đàn ông trong gia đình thì mọi người phải phụ thuộc tôi, cái yếu tố vì người thân trong gia đình thấm đẫm trong ý thức Á Đông.
Ở châu Âu vào mùa đông giá lạnh, các bạn sẽ thấy rất nhiều phụ nữ sẵn sàng lấy xẻng xúc tuyết dọn đường cho xe con của mình đi mà chẳng thấy bóng dáng sự trợ giúp nào đâu.
Thưa chị Trúc, nên chăng hãy nhìn sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau và trên cơ sở phân tích, liên kết về bản chất hơn là theo phương pháp “fact and figure”. Hai cháu nhà tôi cũng đang làm việc tại nước ngoài (tôi chỉ có 2 con gái), cũng có thẻ xanh rồi, vẫn yêu bố mình, thi thoảng vẫn đùa về thói gia trưởng của bố, vẫn kể là con thấy về đến nhà bố chỉ đọc báo và xem tivi thôi, thế mà mẹ vẫn chiều bố được. Và các cháu vẫn tự hào về bố kể về cái thời bao cấp gian khó như thế nào, bố vẫn lăn lộn ngược xuôi cho gia đình và vẫn mong chồng mình được như bố.
Kính thư,
Nguyễn Trần Phương