Tại nhà 103b B5, Tập thể Thanh Xuân Bắc do chị Nguyễn Thị Thanh, 40 tuổi, người Mường Khương (Lào Cai) thuê, hai công nhân đang lọc da hổ và nấu cao hổ.
Công an đã lập biên bản phạm tội quả tang. Hai con hổ đã chết (mỗi con nặng khoảng 250 kg), đang trong quá trình xẻ da được lưu giữ trong 2 thùng đông lạnh cỡ lớn và một bộ da hổ còn nguyên cùng một số bộ phận khác được vứt ngổn ngang trên nền nhà, trong nhà vệ sinh...
![]() |
Chiếc đầu và nửa con hổ bị xẻ thịt vứt trên nền đất bẩn. Ảnh: Tiền Phong |
Ngay lối ra vào của ngôi nhà là một giá đựng đầy những bình rượu thuốc các loại, trong đó có một bình rượu ngâm rắn hổ chúa cỡ lớn.
Trong thùng đông lạnh thứ nhất, một con hổ còn đầy đủ lông da, đầu bị xẻ làm đôi nằm chật kín trong ngăn lạnh. Trong thùng thứ hai có một bộ da hổ còn nguyên. Trong nhà vệ sinh và căn phòng nhỏ bên cạnh có 4 tảng thịt hổ lớn, mỗi tảng nặng chừng 40 kg và một đầu hổ còn đầy đủ răng nanh vứt trên nền đất. Đặc biệt, hai tảng thịt hổ lớn được để ngay trên bệ xí nồng nặc mùi khai của nước tiểu. Trong thùng đông lạnh còn có hai chiếc đĩa to đựng óc và một cặp mắt hổ.
Trong tủ lạnh có một số miếng tay gấu, bên cạnh là một mẹt đựng nhiều miếng cao đã được chia lạng. Ngay trên khu vực sân tập thể phía bên ngoài căn hộ, là hai nồi nhôm cỡ 100 lít chứa đầy xương khỉ đang sôi sùng sục trên bếp lò than đỏ rực. Mùi ngầy ngậy của xương và mỡ trong quá trình phân hủy bốc lên nồng nặc ...
Tại một căn hộ khác cũng do chị Thanh thuê, lực lượng chức năng còn phát hiện 4 ngà voi (mỗi chiếc dài hơn 1,2m), một con hổ nhồi nguyên con, 8 đầu bò còn nguyên sừng, 2 đầu hươu cùng nhiều bao tải lớn đựng xương các loại. Theo lời khai của người phụ nữ này, đây là xương khỉ và ngựa được mua về để nấu.
Trung tá Lê Hồng Sơn, Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm Công an Hà Nội cho biết, công an đã tạm giữ và thẩm vấn 4 người có liên quan. Nguyễn Thị Thanh khai đã thuê căn hộ trên từ 3 năm nay để nấu cao hổ và cao khỉ. Mỗi lạng cao hổ được bán với giá 6,5 triệu đồng.
Trong đường dây này có Nguyễn Đức Thiệp ở Phú Thọ; Trần Văn Đế ở Hải Dương. Đế khai hành nghề lương y và đến làm việc ngay tại nhà của Thanh.
Số hổ này nhập từ Myanma, sau đó được chuyển qua Thái Lan, Lào rồi về Việt Nam. Mỗi con hổ nặng chừng 250 kg. Theo ông Sơn, thời gian gần đây hoạt động mua bán hổ đông lạnh ở Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc diễn ra tấp nập và hết sức phức tạp. Các đường dây có sự móc ngoặc, tổ chức chặt chẽ. Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội phát hiện, bắt giữ vụ buôn bán mặt hàng quốc cấm là hổ tươi sống này. Ông Phạm Văn Trí, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng cho biết, năm 2004, Hà Nội mới phát hiện một trường hợp nhồi da hổ ở phố Tôn Đức Thắng.
Theo đánh giá của kiểm lâm, đây là cơ sở có thời gian dài giết và nấu cao hổ vì các dụng cụ cũng như cách tổ chức giết mổ hổ ở đây hết sức chuyên nghiệp.
Người dân trong tập thể cho biết việc nấu cao của Thanh diễn ra công khai từ lâu nhưng hiện cơ quan chức năng mới phát hiện.
(Theo Tiền Phong)