7h40' trên đường Trần Quang Khải, đoạn gần chân cầu Chương Dương, khoảng 20 xe ôm đang đợi khách, kẻ đứng, người ngồi, ông thì vắt chân lên đầu xe nằm. Khác với thường lệ, họ ít trò chuyện tán phét hơn, vẻ mặt ai cũng trầm tư, như có tâm sự riêng. Nhưng vừa thấy bóng một chiếc xe khách tiến đến, tất cả đều ngay lập tức bật dậy, vớ ngay lấy mũ bảo hiểm nháo nhào chạy theo. Một chiếc taxi Matiz cũng lao lên, áp sát chiếc xe khách, cậu tài xế không ngừng mời gọi, lôi kéo cạnh tranh với cánh xe ôm.
Một cảnh xe ôm ế khách. Ảnh: Hoàng Hà |
Thông thường sắp Tết, nhu cầu đi lại cao nên nhiều người đổ xô vào chạy xe ôm. Nhưng bác Thịnh, có thâm niên gần 12 năm trong nghề lại có nhận định số xe ôm thời điểm hiện nay có tăng hơn thật, nhưng không đông hơn mọi năm bao nhiêu. Như điểm gần Nhà Hát Lớn chỗ của bác, vẫn số lượng người vậy, sở dĩ nhìn thấy đông hơn là vì, trước đắt khách, nên người đi, người về, số thường trực ở bến ít hơn, “còn giờ ế ẩm, đa số đều ngồi ở bến nên trông tưởng đông hơn thôi”, bác Thịnh than thở.
Giá xăng đã tăng. Giá phòng trọ tăng. Giá thức ăn cũng tăng. Đó là sức ép không nhỏ với cánh xe ôm vì đa số họ đều ở ngoại tỉnh. Trước đây, một bữa cơm bụi 8.000 đồng, với cánh xe ôm đã ấm bụng rồi. Nhưng bây giờ nhiều quán cơm bình dân đã treo giá “thấp nhất là 10.000 đồng một suất”, mà ăn vẫn chưa đủ no.
Giá cả tăng vậy nhưng đa phần cánh xe ôm cũng không dám tăng giá xe. Các điểm ở bến xe Giáp Bát, cầu Chương Dương, Kim Mã, giá giữ vẫn khoảng 3.000-3.500 đồng một km như trước. Thậm chí có lúc ế khách quá, phải chấp nhận đi với giá “bèo”, để lấy tiền xăng xe, ăn ở.
Ế khách, nhiều xe ôm phải tăng thêm giờ chạy. Trước đây bác Thịnh chỉ chạy đến khoảng 8h tối là về, nhưng bây giờ thì có hôm thậm chí ngồi đến tận 11h đêm. “Tôi đang nhờ cậu em kiếm cho suất chạy xe rau vào sáng sớm, có tuổi rồi, cũng ngại lắm nhỡ có ngã ra cái thì quá tội, nhưng không làm thì không biết lấy gì mà nuôi gia đình".
Ký một xe ôm chuyên chạy xe tầm 2-3 giờ sáng ở Ga Hà Nội, cho biết, trước cậu chạy đến trưa rồi về nghỉ một mạch đến giờ làm sớm hôm sau, nhưng một tháng nay, cậu đã phải chạy thêm 3-4 tiếng buổi chiều ở bến Giáp Bát mà thu nhập vẫn không bằng trước. Khách đi ít, xe ôm lại đông thêm. Theo ông Tính đã chạy xe ở cầu Chương Dương gần 20 năm nay, cứ dịp này hàng năm nhiều xe ôm từ các tỉnh ngoài đổ về, nhận chạy giá rẻ, cạnh tranh gay gắt với cánh xe ôm ở Hà Nội. Ông tâm sự: "Có lẽ tôi chỉ chạy nốt năm nay, rồi phải kiếm nghề khác. Chỉ cách đây 2 năm tôi kiếm 100.000 đồng một ngày dễ như chơi. Giờ có hôm đi lại về, cả ngày chả được cuốc nào".
Không chỉ những người tỉnh ngoài đổ về, nhiều người vốn làm nghề khác, vào dịp này cũng lại tìm đến nghề xe ôm. Huy ở Vĩnh Phúc, chuyên bốc hàng ở chợ đêm Long Biên, nhưng từ tháng trước đã chạy xe thêm vào ban ngày. “Gần tết rồi, giá cả tăng, tiêu pha tốn kém lắm. Em phải cố làm để còn lấy tiền sắm tết cho gia đình”, Huy tâm sự. Còn một lý do nữa, khiến Huy phải cố gắng kiếm tiền, sang năm mới Mậu Tý cậu sẽ lập gia đình. Huy khoe vợ sắp cưới là người cùng quê và cũng đang làm trên này. Một nụ cười thoáng qua khuôn mặt chàng trai 21 tuổi, rồi cậu chợt bần thần xoa vào chiếc mũ bảo hiểm, đã định nói thêm gì đó nhưng, sau giây lát ngập ngừng lại thôi.
Thu nhập của đa số công nhân, viên chức và những người lao động bình dân, chưa theo kịp với tốc độ tăng chóng mặt của giá cả hàng hoá. Nhiều gia đình đã đề cao tinh thần tiết kiệm, tiết kiệm là "sách lược" hàng đầu. Xe ôm tự dưng trở thành một thứ hàng hoá xa xỉ. Chị Xuân, giáo viên cấp 2 ở Gia Lâm cho biết, trước đây chị vẫn thuê bác xe ôm ở đầu ngõ chở con trai lớn đến trường. Nhưng từ đầu tháng này, anh chị đã phải bảo nhau, cố gắng dậy sớm mà đưa con đi học, tiết kiệm được ít nào hay ít đấy. Chị tâm sự: “Chưa bao giờ cầm đồng lương tháng mà tôi lại cảm thấy bất an lo lắng đến vậy”.
Kiên Thành