Xe lôi chạy pin mặt trời, ra mắt công chúng vào ngày 2/10 tại thành phố New Delhi, là loại xe lôi có thể chạy bằng sức người hoặc pin năng lượng mặt trời 36 volt. Loại xe này (gọi là soleckshaw), do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Ấn Độ (CSIR) thiết kế. Những mẫu xe đầu tiên đã chạy thử tại Chandni Chowk, một trong những khu chợ đông đúc và lâu đời nhất ở thành phố Old Delhi.
"Điều quan trọng nhất là loại xe mới sẽ khiến những người sở hữu xe lôi cảm thấy tự hào hơn về công việc của họ, đồng thời làm giảm sức lực mà họ phải bỏ ra để đạp xe. Từ những người kéo xe, họ sẽ trở thành những người lái xe", Pradip Kumar Sarmah, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Ấn Độ, phát biểu.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ ngồi trong chiếc xe lôi chạy pin mặt trời. Ảnh: AFP. |
Với bộ khung chắc chắn và ghế đệm, soleckshaw có tốc độ tối đa là 15 km/h và chở được 3 người. Người ngồi xe có thể nghe các chương trình FM trên đài radio và xạc điện thoại di động.
Pin năng lượng mặt trời cho phép soleckshaw đi được 50-70 km nếu được sạc đầy. Người lái xe có thể đem pin đã qua sử dụng tới một trạm sạc pin năng lượng mặt trời để nạp điện và thay thế.
Dư luận Ấn Độ tỏ ra vui mừng trước sự xuất hiện của xe lôi năng lượng mặt trời.
"Đạp xe lôi là một công việc vất vả. Tôi thường xuyên bị đau ngực và khó thở. Với loại xe mới, chắc chăn tôi sẽ đỡ mất sức hơn. Trước kia, người ta gọi chúng tôi là phu kéo xe, còn cảnh sát không ưa chúng tôi lắm. Họ luôn sẵn sàng phạt chúng tôi vì đỗ xe sai quy định. Giờ đây thì mọi người tôn trọng chúng tôi hơn", Bappa Chatterjee, một trong 500 nghìn người lái xe lôi ở Delhi, nói.
Kapil Sibal, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, cho rằng soleckshaw nên được triển khai khắp đất nước. "Đó là phương tiện giao thông lý tưởng cho các gia đình khi đi du lịch. Hiện tại chúng tôi cũng có xe bus chạy pin mặt trời, nhưng số lượng của chúng quá ít nên không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách", ông phát biểu.
Theo vị bộ trưởng, xe lôi chạy pin mặt trời có thể cạnh tranh với các loại xe ôtô cỡ nhỏ chạy xăng và diesel trên phương diện giá thành và chi phí sử dụng.
"Lượng khí thải độc hại ngày càng tăng và 60% số đó thoát ra từ các phương tiện giao thông. Xe lôi chạy pin mặt trời sẽ góp phần giảm khí thải độc hại nếu chúng được sử dụng rộng rãi trên khắp hành tinh", ông nhận định.
Việt Linh (theo AFP)