Ông Khuất Việt Hùng thuộc Viện quy hoạch và quản lý giao thông Đại học Giao thông vận tải, đưa ra một dẫn chứng. Xe buýt gây ra một tai nạn giao thông thì bị dư luận xã hội quy kết tội hung thần đường phố; trong khi cả năm số tai nạn từ xe buýt chỉ chiếm rất nhỏ so với các phương tiện khác.
Ông Hùng cho rằng, khi ùn tắc giao thông, mọi con mắt đều đổ dồn về các "ông bự" chiếm diện tích quá lớn, làm lầm tưởng xe buýt chính là tội đồ. Thực tế tương lai giao thông đô thị phụ thuộc vào xe máy và hành vi của người điều khiển phương tiện. Một chiếc xe máy chạy ẩu vào đường dành cho xe buýt hay vượt mặt cũng làm cho giao thông thêm tắc nghẽn.
"Không còn con đường nào khác, sự phát triển của TP HCM trong tương lai phải dựa trên vận tải hành khách công cộng, mà thời điểm hiện tại là phát triển xe buýt", ông Trần Quang Phượng tuyên bố tại hội thảo "Làm gì để xe buýt phát triển bền vững", diễn ra hôm 11/1.
Theo người đứng đầu Sở Giao thông công chính, việc phát triển xe buýt tại TP HCM đang đi đúng hướng nhưng còn nhiều khó khăn, bất cập như: tuyến trùng tuyến; lượng khách chưa đồng đều giữa các tuyến xe; chịu nỗi oan là gây kẹt xe...
Với dân số hơn 7 triệu người, diện tích gần 2.100 km2, TP HCM có một mạng lưới xe buýt dày đặc. Đến cuối năm 2007, tổng số tuyến được tăng lên 151, tổng chiều dài 3.470 km, với hơn 15.000 lượt xe mỗi ngày. Ông Phượng cho rằng, trong điều kiện TP HCM, việc quản lý và xây dựng một hệ thống xe buýt thích hợp nhất đang là vấn đề nan giải.
Sắp tới Sở Giao thông sẽ đề xuất thành phố cấp thêm mặt bằng trung chuyển, giảm lộ trình tuyến xuống 15-18 m, đảm bảo người dân ra khỏi nhà 200 m là có thể đi xe buýt tiện lợi.
Tình trạng trùng tuyến dẫn đến tranh giành khách trên cùng 1 tuyến đường. Ảnh: Đức Quang |
Đại diện Sở Giao thông công chính cho rằng, nhằm tăng tốc độ vận hành, rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo đúng giờ, TP HCM nên tiếp tục phát huy làn ưu tiên cho xe buýt như trên đường Trần Hưng Đạo. Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ phát triển thêm 10 tuyến đường ưu tiên nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cơ sở 2 cho biết, đơn vị này đã tiến hành một khảo sát về tình hình lưu thông, sử dụng xe buýt tại TP HCM. Kết quả cho thấy, có trên 65% tuyến xe buýt trùng lặp, song đây là một thực tế khó được cải thiện.
Bà Hằng cho rằng, chỉ có mạng lưới tuyến điểm nối điểm mới có khả năng hạn chế đặt các tuyến trùng nhau. Nhưng TP HCM lại gặp phải hiện tượng quá nhiều đường phố dẫn đến tình trạng nhiều giao cắt lớn tại khu vực trung tâm. Điều đó sẽ hạn chế khả năng tiếp cận điểm đi đến của hành khách do các tuyến đều là tuyến nối trực tiếp... chỉ phù hợp với những thành phố nhỏ, dân số ít. Mạng lưới xe buýt tại TP HCM đang theo hình rẻ quạt, nên có nhiều tuyến quá đông khách trong khi một số tuyến khác lại vắng.
Khảo sát của Đại học Giao thông vận tải 2 cũng cho rằng, mạng lưới tuyến xe buýt hỗn hợp như hiện nay là thích hợp nhất. Tuy nhiên cần nghiên cứu chỉ nên trùng lặp 2 tuyến buýt trên một đường để tạo điều kiện lý tưởng cho khai thác vận chuyển.
Trợ giá xe buýt cũng là vấn đề khiến TP HCM đau đầu, xe buýt từng được coi là kẻ "ăn bám" vào bầu sữa từ trên rót xuống. Những ý kiến như vậy là nhận thức chưa đúng mức về vận tải hành khách công cộng", Phó Tổng giám đốc công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) Phạm Quốc Tài băn khoăn.
Ông Tài khẳng định, trợ giá là một giải pháp của nhà nước để điều tiết cung và cầu. Trong tình trạng hiện nay, bên cung ứng xe buýt như SAMCO luôn lỗ nếu cứ sản xuất và chạy. Dự kiến trong năm 2008, xe buýt sẽ đi theo biểu đồ xuống trầm trọng khi bị cắt giảm trợ giá do hàng loạt xã viên đang có dự định bán xe vì lỗ.
Kiên Cường