Là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM, ông Đằng đề nghị cách chức lãnh đạo các quận huyện nếu bất lực trong việc xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn. Bản thân ông sẵn sàng từ chức Phó Ban chỉ đạo Xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong vòng 10 ngày tới, nếu thất bại trong việc dọn sạch đẹp 12 tuyến đường trọng yếu của Sài Gòn.
Ông Lê Hiếu Đằng. Ảnh: T.C.
- 4 tháng thực hiện Năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng Sài Gòn vẫn bẩn, tình trạng phóng uế tiểu tiện ngoài đường phổ biến như bệnh lâu năm. Là Phó ban chỉ đạo chương trình, trách nhiệm của ông trong việc thành phố ì ạch chống bẩn như thế nào?- Rất đơn giản, khi đã nhận nhiệm vụ mà không thực hiện được thì nên từ chức. Nếu từ nay đến ngày 19/5, các tuyến đường trọng yếu tại TP HCM chưa sạch đẹp, tôi sẽ từ chức Phó ban chỉ đạo Xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Đã hơn 4 tháng triển khai kế hoạch, Ban nhiều lần nhắc nhở đôn đốc chính quyền địa phương phối hợp thực hiện "trật tự, ngăn nắp, vệ sinh". Thế nhưng qua kiểm tra, tôi vẫn phát hiện tình hình văn minh đô thị vẫn chưa tiến triển. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố vẫn đầy rác, xe đẩy bán các loại đồ ăn thậm chí còn đứng tràn ra cả lòng đường... như căn bệnh khó chữa.
Ban đã xây dựng thí điểm 12 tuyến đường trọng điểm thành những con đường kiểu mẫu, nằm rải rác ở các quận 1, 3, 5, 10. Tuy nhiên, chỉ vài tuyến thực hiện tốt.
Như vậy là tôi không tròn nhiệm vụ.
- Theo ông, đâu là trở ngại chính trong việc làm sạch đẹp, văn minh thành phố?
- Muốn thực hiện chủ trương nào thì sự phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị cũng cần thiết. Riêng vấn đề văn minh đô thị, vai trò của cấp ủy, ủy ban phường xã là cực kỳ quan trọng.
Thực tế kiểm tra cho thấy, chính quyền nhiều nơi chưa hề có động thái tích cực trong việc nhắc nhở, vận động người dân có ý thức xây dựng văn minh đô thị, nhiều khu phố văn hóa vẫn tràn ngập rác và tình trạng bán hàng rong dưới lòng đường. Theo tôi, nên cách chức các chủ tịch phường nếu các anh này không làm tốt xây dựng văn minh đô thị ở khu vực mình quản lý.
Trở ngại thứ hai thuộc về một khuyết điểm lớn của thành phố là chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cơ sở vật chất như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. Theo tôi, nếu muốn người dân không phóng uế, vứt rác nơi công cộng thì những yêu cầu trên là cực kỳ quan trọng. Tôi đã nhiều lần kiến nghị đề xuất, tuy nhiên muốn xây dựng được hệ thống nhà vệ sinh, thùng rác công cộng thì cũng không thể làm ngay một sớm một chiều.
Vấn đề cuối là ý thức của người dân. Nếu người dân chưa có ý thức thì chính quyền địa phương phải họp, nhắc nhở và triển khai rõ ràng, dễ hiểu chủ trương của nhà nước. Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị cũng cần phải được giáo dục ngay trong gia đình theo kiểu cha mẹ làm gương và nhắc nhở con cái khi thấy chúng vi phạm.
Người dân vô tư chiếm dụng vỉa hè đường Điện Biên Phủ, quận 3, để nấu nướng, buôn bán, rửa chén bát. Ảnh: Thiên Chương. |
- Ở nước ngoài, xả rác ngoài đường sẽ bị phạt nặng; còn Việt Nam dường như có quy định nhưng chưa có tiền lệ phạt vì làm mất vệ sinh đường phố?
- Có xử lý một số trường hợp nhưng nói chung mức phạt của ta còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe; vả lại lực lượng đi phạt còn thiếu. Theo tôi, xử phạt là cần thiết, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân. Lấy thí dụ như vụ mũ bảo hiểm, còn rất nhiều người đội mũ chỉ vì sợ bị phạt, đến khi vắng bóng công an vẫn vô tư tháo mũ ra. Việc xử phạt trong văn minh đô thị cũng thế.
- Trước thực tế ngổn ngang chưa "dọn rác" thành phố được, với tư cách là phó ban chỉ đạo, nếu không phải từ chức, ông dự định sẽ làm gì?
- Theo tôi, chỉ nên gom lại 3 mục tiêu chính để phấn đấu thực hiện là: trật tự - ngăn nắp - vệ sinh. Đảm bảo các yêu cầu này xem như thành công lớn.
Trước mắt, Ban chỉ đạo cũng đã có công văn kiến nghị UBND thành phố chấn chỉnh ngay tình hình lấn chiếm vỉa hè, ô nhiễm môi trường và kinh doanh mất trật tự đô thị tại 7 điểm trọng yếu mà đoàn Mặt trận tổ quốc đã kiểm tra và phát hiện.
Với tôi, dù còn làm phó ban chỉ đạo hay là chỉ một công dân bình thường thì vẫn phải hiến sức xây dựng thành phố.
Các điểm đen vẫn bẩn và chiếm dụng lề đường sau 4 tháng thực hiện văn minh đô thị ở TP HCM bị Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc thành phố lên danh sách là: đường Lý Chính Thắng (quận 3); các cửa hàng inox trên đường Sư Vạn Hạnh 9 thuộc quận 10; khu vực trước bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5 và 11); tuyến đường An Dương Vương và Mạc Thiên Tích, phía trước và sau bệnh viện Đại học Y dược; giao lộ Mạc Thiên Tích - Đặng Thái Thân ở quận 5; bến xe buýt Bến Thành; đường Nguyễn Thị Diệu (quận 3); đường Hoàng Hoa Thám của quận Bình Thạnh. |
Thiên Chương