"Điều quan trọng không phải bao nhiêu người được tiêm, mà là ai được tiêm", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ngày 13/11. "Sẽ không hợp lý nếu tiêm tăng cường cho người trưởng thành khỏe mạnh, hoặc tiêm chủng cho trẻ em, trong khi nhân viên y tế, người già và các nhóm rủi ro cao trên khắp thế giới vẫn đang chờ được tiêm liều đầu tiên".
Michael Ryan, giám đốc WHO phụ trách các trường hợp khẩn cấp, trước đó cũng cho biết nỗ lực "tiêm chủng trúng đích hơn" cần được thúc đẩy ở các nước giàu, nơi nhiều người bài xích vaccine.
Ryan cho biết ở các quốc gia tiêm vaccine Covid-19 rộng rãi, số ca nhiễm tăng không dẫn đến thêm các ca nhập viện hoặc tử vong, do vaccine rất hiệu quả trong ngăn bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, Ryan cảnh báo hệ thống y tế ở các quốc gia có tỷ lệ dân số tiêm vaccine cao có thể nhanh chóng chịu áp lực nếu những nhóm dân số dễ bị tổn thương chưa được tiêm chủng.
"Nếu bạn đang ở châu Âu, nơi đang có đợt bùng phát dữ dội và bạn ở trong nhóm dễ bị tổn thương hoặc cao tuổi song chưa tiêm vaccine, tốt nhất bạn nên làm điều đó", Ryan nói và cho biết một nghiên cứu gần đây tại Anh cho thấy "người chưa tiêm vaccine Covid-19 đối mặt nguy cơ tử vong cao gấp 32 lần so với người đã tiêm".
Trang Our World in Data cho biết khoảng 51% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và khoảng 40% đã hoàn thành liệu trình. Thế giới ghi nhận 253.075.349 ca nhiễm nCoV và 5.098.597 ca tử vong, tăng lần lượt 493.044 và 6.993, trong khi 227.147.965 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch và ghi nhận hai triệu ca nhiễm mới vào tuần trước. "Con số này cao nhất trong khu vực kể từ khi đại dịch bắt đầu", Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/11 nói.
Tuy nhiên, khi các quốc gia châu Âu kiềm chế lây lan bằng cách tái áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường, WHO khẳng định điều quan trọng là đảm bảo tiêm vaccine cho những người cần nhất tại lục địa này và những nơi khác.
"Vấn đề không nằm ở bao nhiêu người được tiêm mà là những ai được tiêm", Tedros nói. "Tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành khỏe mạnh hoặc trẻ em không có ý nghĩa gì khi các nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm nguy cơ cao khác trên thế giới vẫn chờ mũi đầu tiên".
Ngày càng nhiều nước triển khai tiêm tăng cường, bất chấp WHO liên tục kêu gọi hoãn tới cuối năm nay để đảm bảo nguồn vaccine cho các nước nghèo hơn. "Số mũi tăng cường trên toàn cầu cao gấp 6 lần liều chính ở các nước thu nhập thấp. Cần lập tức chấm dứt điều này", Tedros nói.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)